Tại xã Tà Lài, đoàn đã đến với “bia tưởng niệm ghi dấu ấn vượt ngục Tà Lài” khu Tà Lài Longhowse, Đập Vàm Hô, khu đồng bào dân tộc thiểu số ấp 4. Tại xã Nam Cát Tiên đoàn đã đến vườn sầu riêng rộng 5ha, được trồng theo mô hình VietGap của hộ ông Trần Đình Thi ở ấp 2, sau đó đến Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên trải nghiệm xem thú đêm.
Đoàn đã có chuyến khảo sát tại xã Phú Điền, các điểm đến bao gồm: Nhà máy đan lát lục bình, Phú Điền homestay, cùng những cảnh quan thiên nhiên như đồng ruộng, các tuyến đường hoa nơi đây.
Đánh giá sơ bộ về tiềm năng du lịch của huyện Tân Phú sau chuyến đi khảo sát thực tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch Tạ Duy Linh cho rằng, Tân Phú được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều cảnh đẹp, bên cạnh yếu tố lịch sử độc nhất vô nhị, đó là sự kiện Vượt ngục Tà Lài năm 1941, trong đó có Giáo sư Trần Văn Giàu, nên chăng Tân Phú định hình du lịch với mô hình "Chạm vào thiên nhiên, hòa mình vào văn hóa”.
Theo đoàn khảo sát, trên cơ sở các lợi thế sẵn có, địa phương cần khéo léo kết hợp giữa rừng, lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của đồng bào dân tộc bản địa. Bên cạnh đó là các yếu tố thuận lợi khác như nằm gần sát sân bay Long Thành, có cả đường cao tốc đi ngang qua và tuyến giao thông huyết mạch QL20 nối Tân Phú với Đà Lạt.
Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Hữu Ký cho biết, từ những gợi ý hết sức tâm huyết của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, mong rằng thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục có những hỗ trợ cụ thể hơn. Cụ thể như tìm kiếm các mô hình phù hợp với từng địa phương, song song đó là giới thiệu cho huyện các nhà đầu tư có năng lực, để hiện thực hóa ý tưởng đưa du lịch trở thành lĩnh vực đột phá trong phát triển Kinh tế - Văn hoá – Xã hội của huyện Tân Phú trong thời gian tới./.