Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc:

Tân Phú viết tiếp khúc trường ca 'thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công'

Cách đây 60 năm, vào ngày 2/1/1963, tại xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, quân dân ta đã làm nên Chiến thắng Ấp Bắc lẫy lừng, bẻ gãy chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận, làm phá sản kế hoạch “bủa lưới phóng lao” nham hiểm của kẻ thù. Từ đó, mở ra một giai đoạn mới tất thắng trên chiến trường chống Mỹ ở miền Nam.

Chú thích ảnh
Dâng hương tại Tượng đài các chiến sĩ Gang thép.

Là quê hương Chiến thắng Ấp Bắc anh hùng, Tân Phú đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới diện mạo nông nghiệp - nông dân - nông thôn và xây dựng nông thôn mới thành công.
 
Năm 2018, Tân Phú được công nhận đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới. Nhằm lập thành tích chào mừng 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc, ngày 21/12/2022, xã tiếp tục được công nhận đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới nâng cao. Đây là cơ sở để Tân Phú hướng tới mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025.
 
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Phú Nguyễn Văn Nha, thành quả hôm nay là cả một chặng đường dài Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương kiên trì nhập cuộc với hào khí “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trên mặt trận sản xuất và xây dựng nông thôn mới.
 
Trong suốt gần 48 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, từ một xã vùng nông thôn sâu Đồng Tháp Mười, căn cứ địa cách mạng, bị bom đạn quân thù tàn phá nặng nề, địa phương tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Hiện nay, 100% diện tích đất canh tác chuyển từ trồng lúa một vụ sang canh tác mỗi năm 3 vụ, sản lượng hàng năm gần 7.000 tấn lúa hàng hóa, đưa Tân Phú trở thành vựa lúa quan trọng của thị xã Cai Lậy.
 
Ngoài cây lúa, nông dân mở rộng diện tích trồng cây ăn quả chuyên canh trên 200 ha. Chăn nuôi phát triển với tổng đàn lợn trên 1.000 con, đàn gia cầm gần 10.000 con, đàn bò gần 300 con tạo thêm nguồn thu nhập quan trọng cho nông dân.
 
Gần đây, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ được mở mang, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững vừa phát huy được tiềm năng đất đai, lao động, ngành nghề. Toàn xã hiện có một ngôi chợ nông thôn khang trang, 320 điểm kinh doanh, buôn bán của nhân dân; hàng trăm cơ sở ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn. Từ đó, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,51% và nâng thu nhập bình quân đầu người lên mức 65,5 triệu đồng/người/năm.
 
Thành tựu trong phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng thu nhập cho nông dân chính là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới tại quê hương Ấp Bắc anh hùng.
 
Theo lãnh đạo xã, Tân Phú đã huy động nguồn lực gần 302 tỷ đồng xây dựng xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, trong đó riêng nguồn vốn do nhân dân đóng góp chiếm gần 19%.
 
Trong xây dựng nông thôn mới, địa phương phát huy tốt vai trò “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” nhằm kiến thiết hạ tầng nông thôn, đặc biệt là hiến quỹ đất phát triển giao thông nông thôn. Đi tiên phong chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới chính là những lão nông tri điền trung kiên chí cốt cách mạng như: ông Trần Văn Phỉ (ấp Tân Hòa), ông Nguyễn Văn Sáu (ấp Tân Hiệp), ông Nguyễn Văn Hải (ấp Bắc), ông Lê Văn Trưng (ấp Tân Thới), ông Nguyễn Văn Đức (ấp Bắc)… đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen.

Mỗi người trong khả năng của mình, làm gương hiến từ vài trăm đến hàng ngàn mét vuông đất để nhà nước làm đường sá, thi công các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và đời sống.
 
Theo gương các ông, 100% hộ dân ở xã Tân Phú đều đồng thuận hiến đất kiện toàn cơ sở hạ tầng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Đây chính là nhân tố tích cực đưa đến thành quả ngoạn mục trong xây dựng nông thôn mới ở Tân Phú hôm nay.
 
Đảng viên Nguyễn Văn Đức, ngụ tại ấp Bắc, xã Tân Phú là người nêu gương học Bác hiến trên 2.000 m2 để nhà nước làm tuyến đường Nam và Bắc kênh Bang Chón. Con đường hoàn thành mở ra cơ hội giao thương, phát triển kinh tế, văn hóa và đổi thay diện mạo cả vùng căn cứ cách mạng ngày trước, giúp Tân Phú hoàn thành công cuộc xây dựng xã nông thôn mới đúng lộ trình đề ra.
 
Ông Đức bày tỏ, là cán bộ, đảng viên phải tâm niệm lời Bác dạy, sống có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, biết “lo trước cái lo của dân và vui sau cái vui của dân”. Được góp sức xây dựng nông thôn mới trên quê hương Chiến thắng Ấp Bắc là việc rất có ý nghĩa mà ông luôn tự hào và nhắc nhở con cháu, bà con trong ấp cùng hưởng ứng.
 
Ông Nguyễn Văn Đức còn vận động nông dân Tân Phú hưởng ứng chủ trương phát triển kinh tế tập thể kiểu mới, hình thành Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Phú. Ông được xã viên tín nhiệm cử giữ chức Giám đốc. Hiện nay, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Phú là đầu mối chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp trong đó có mô hình trồng lúa theo tiêu chí VietGAP ở hai ấp Tân Hiệp, Tân An trên diện tích 22 ha.
 
Vai trò của ông Nguyễn Văn Đức trong xây dựng nông thôn mới được lãnh đạo xã đánh giá cao. Từ đó, không chỉ giúp Tân Phú hoàn thành tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao mà hơn thế, còn thúc đẩy cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp trên ruộng đồng Tân Phú thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Sau 60 năm kể từ Chiến thắng Ấp Bắc và 48 năm kể từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nơi đây đã thay da đổi thịt từng ngày. Diện mạo nông thôn mỗi ngày thêm vui tươi, thịnh vượng hẳn lên. Cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Dân trí mở mang. Việc đi lại, học hành của con em dễ dàng, thuận tiện. Sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng các phong trào hành động cách mạng của nhân dân trong thời chiến cũng như khi hòa bình, xây dựng đất nước là bài học kinh nghiệm sâu sắc mà Tân Phú đúc kết được.
 
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Phú Nguyễn Văn Nha khẳng định, có được kết quả trên là nhờ Đảng bộ, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân trong suốt mấy mươi năm qua cùng chung sức viết tiếp khúc trường ca “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trên mặt trận hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, tích cực và sôi nổi đóng góp công sức xây dựng quê hương cách mạng đẹp giàu, giành thêm những thắng lợi mới trong công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay.

Bài và ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Ấp Bắc - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử'
Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Ấp Bắc - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử'

Ngày 29/12, tại thành phố Mỹ Tho, Bộ Quốc phòng phối hợp cùng Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Ấp Bắc - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc (2/1/1963 - 2/1/2023).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN