Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của miền sơn cước này đã giảm còn 14,67%, hộ cận nghèo còn 7,51%. Hiện tại, Tân Sơn tiếp tục có những giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, trong đó chủ động thực hiện tốt Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Tân Sơn là huyện miền núi, nằm ở phía cực tây của tỉnh Phú Thọ, được mệnh danh là “rốn nghèo” của tỉnh, với tỷ lệ hộ nghèo khi mới thành lập huyện lên tới 62% (năm 2007). Nhờ được thụ hưởng các chính sách giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt có các chương trình, dự án, trong đó phải kể đến sự đầu tư mạnh mẽ, hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn miền núi Tân Sơn có nhiều thay đổi. Đến cuối năm 2018, toàn huyện đã thoát khỏi “vùng trũng”, về đích trước hai năm so với kế hoạch.
Chia sẻ kinh nghiệm về công tác giảm nghèo bền vững, Bí thư huyện ủy Tân Sơn, ông Phạm Thanh Tùng cho biết: Ngoài việc đẩy mạnh lồng ghép thực hiện hiệu quả mọi nguồn lực, nguồn vốn với các chương trình, dự án hỗ trợ người dân như: Phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi địa gia súc, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung... huyện đã huy động cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành vào cuộc triển khai thực hiện Nghị định 78/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nhất là sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40/2014 của Ban Bí thư (gọi tắt là Chỉ thị 40) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội…. Nhờ đó, hàng nghìn hộ dân được tiếp cận vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo nhanh, làm giàu chính đáng.
Nét nổi bật trong triển khai thực hiện Chỉ thị 40 ở Tân Sơn 10 năm qua là tạo được sự đồng thuận và tham gia của các cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành từ huyện đến xã, phường, thôn, bản cùng với việc tập trung huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay đến các hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn.
Cụ thể, huyện đã quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn ưu đãi cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, đồng thời tăng cường chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền vận động tổ chức, cá nhân tham gia gửi tiết kiệm tại NHCSXH.
Theo Giám đốc NHCSXH huyện Tân Sơn, ông Tăng Tiến Sỹ: Nguồn vốn ngân sách của địa phương ủy thác qua NHCSXH đến nay là 4.852 triệu đồng, tăng 539 triệu đồng so với cuối năm 2023, góp phần nâng tổng nguồn vốn của đơn vị lên 630.577 triệu đồng. Cùng với đó, nguồn vốn huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư và tiết kiệm qua mạng luới Tổ vay vốn được đến 50.803 triệu đồng, tăng hơn 2.000 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.
Hết thảy nguồn vốn từ trung ương chuyển về, từ ngân sách địa phương chuyển sang, đến tiền huy động tiết kiệm tại các thôn xã, bản làng, đã được những cán bộ tín dụng chính sách nơi rẻo cao Tân Sơn chuyển nhanh và đến đúng các đối tượng, địa chỉ thụ hưởng.
Nhờ triển khai thực hiện tốt hiệu quả Chỉ thị 40, nguồn vốn ưu đãi ở Tân Sơn được tăng trưởng. Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới có lực đẩy mới. Nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao và phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở vùng miền núi dân tộc phát triển sâu rộng.
Tiêu biểu có vợ chồng anh Hà Văn Vượng, xã Tân Phú, đã sử dụng số vốn vay từ NHCSXH huyện mua cây chè, cây keo giống về trồng kín 580m2 đất đồi. Chăm chỉ, cần cù, biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, sau 3 năm, vườn đồi của anh chị đã xanh tốt, chuồng trại nuôi đầy đàn lợn, gà béo khỏe. Vợ chồng anh Vượng đã thoát cảnh nghèo túng, xây được nhà mái bằng 5 gian thoáng đãng, thu nhập ngót 200 triệu đồng/năm.
Cũng giống như vợ chồng anh Vượng, bà Hà Thị Anh Lâm, ngụ tại khu Cón, xã Thu Cúc, được vay 100 triệu đồng vào đầu năm 2022 từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH Tân Sơn. Bà Lâm đã sử dụng hơn nửa số tiền vay đó để xây 5 gian chuồng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, mở rộng quy mô chăn nuôi đàn Dúi sinh sản. Phần còn lại, bà đầu tư đào ao thả cá, trồng chè sạch. Mỗi năm gia đình bà xuất bán hàng chục tấn cá trắm, trôi, chép…và bán nguyên liệu chè búp tươi cho nhà máy, nâng thu nhập gia đình lên 200 triệu đồng/năm.
Phát huy thành quả đạt được, huyện Thanh Sơn tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn. Đặc biệt, quan tâm gắn triển khai tín dụng chính sách với các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn
Hàng năm, quan tâm bố trí một phần ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, tập trung quản trị, điều hành, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH và tổ chức có liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách.
Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng lồng ghép có hiệu quả chương trình cho vay, thực hiện tốt nội dung ủy thác nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn…