Phát biểu tại hội thảo, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, kể từ khi có Ngày Pháp luật Việt Nam vào năm 2013, tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Từ đó, các cơ quan chức năng góp phần nâng cao ý thức chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của Hiến pháp, pháp luật trong cán bộ, nhân dân.
Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng” là hoạt động thiết thực nhằm tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các nội dung của pháp luật, đảm bảo Ngày Pháp luật Việt Nam thực sự phát huy hiệu quả trong đời sống chính trị - pháp lý. Hội thảo cũng góp phần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh lưu ý các sở, ngành cần tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam thiết thực, phù hợp để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu pháp lý của các tổ chức, cá nhân. Từ đó, các sở, ngành nâng cao năng lực quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tăng cường trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp; kiên quyết loại bỏ tham nhũng, các hành vi tiêu cực trong hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Đặc biệt phải phát huy dân chủ, vận động nhân dân tham gia hoạt động xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; không ngừng củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; xây dựng bộ máy, nền hành chính Nhà nước trong sạch, vững mạnh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu trình bày một số tham luận liên quan đến công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng; kết quả thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, gắn với công tác phòng, chống tham nhũng…
Khi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực, 100% cơ quan, đơn vị trong tỉnh Hậu Giang đã triển khai các văn bản về phòng, chống tham nhũng. Các cấp, ngành thực hiện công khai, minh bạch hoạt động, xây dựng quy tắc xử lý cán bộ, công chức, thực hiện kế hoạch chuyển đổi vị trí việc làm nhằm phòng ngừa tham nhũng. Ngoài ra, các cấp, ngành cũng đã tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho gần 11.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.