Theo đó, năm 2024, Hải Dương phấn đấu trồng 800.000 cây phân tán bao gồm các loài như sấu, xà cừ, ngọc lan, bằng lăng, xoan, phượng, sữa, bàng, thông, keo, bạch đàn, muồng hoàng yến, giáng hương…
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, những năm qua, Hải Dương đã thường xuyên tích cực thực hiện di nguyện của Bác và chủ trương của Đảng, Nhà nước về trồng cây, gây rừng, trồng cây tạo bóng mát, cây ăn quả, cây lấy gỗ... phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh, việc trồng cây, trồng rừng có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tập trung làm tốt việc tuyên truyền lợi ích to lớn, lâu dài, nhân văn của việc trồng cây, trồng rừng và phát động Tết trồng cây phù hợp với điều kiện địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng, từng bước nâng cao độ che phủ rừng của tỉnh; đẩy mạnh trồng cây xanh lâu năm phân tán ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu văn hóa - lịch sử, hành lang giao thông, trồng tre chắn sóng bảo vệ đê điều phòng chống thiên tai, bão lũ.
Người đứng đầu tỉnh Hải Dương yêu cầu các các cấp ủy đảng, chính quyền cần thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ cây sau khi trồng, đảm bảo cây phát triển tốt; rà soát để tiếp tục trồng cây phân tán, trồng rừng và tăng cường sản xuất trên diện tích cây ăn quả hiện có, góp phần chung vào kết quả thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng đề nghị các cán bộ, đảng viên, thủ trưởng các đơn vị gương mẫu đi đầu trong vận động nhân dân quyết tâm hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu trồng cây năm 2024 của tỉnh, động viên và kịp thời khen thưởng các cá nhân, tổ chức tích cực để thúc đẩy phong trào trồng cây trong nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương Nguyễn Đức Tuấn đã phát động và kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương, toàn thể đồng bào hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng; người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, trồng cây nào, tốt cây đó; nâng cao ý thức và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép; tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế rừng bền vững.
Sau lễ phát động, "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" năm 2024 được triển khai đồng loạt tại các địa phương trong tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương lưu ý, cây sau khi được trồng phải được chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên đảm bảo độ ẩm, dinh dưỡng, nếu cây chết phải trồng thay thế kịp thời. Cây sau khi trồng phải được giao cho tổ chức, cá nhân chăm sóc, bảo vệ.
Năm 2023, thực hiện kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán của tỉnh, toàn tỉnh Hải Dương đã trồng mới 1.366.027 cây các loại, trong đó 1.310.965 cây lấy gỗ, cây bóng mát và cây ăn quả phân tán tại các tuyến đường giao thông, trong khu dân cư, trường học, công sở, vườn cây ăn quả, khu chuyển đổi; trồng rừng tập trung được 55.062 cây.