Như vậy, đến nay, toàn tỉnh có 6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 66,67%, vượt một đơn vị cấp huyện so với mục tiêu đề ra. 118/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 93,7% (trong đó có 33 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 104 xóm đạt chuẩn xóm nông thôn mới kiểu mẫu).
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết, để đạt được thành công về xây dựng nông thôn mới như trên, các cấp chính quyền địa phương và người dân đã đồng lòng thực hiện phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới ” sôi nổi, rộng khắp. Cụ thể, toàn tỉnh đã phát động trên 460 cuộc ra quân hưởng ứng phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” với trên 260.870 lượt người tham gia, vận động người dân hiến trên 81,8 ha đất và tải sản trên đất, kinh phí huy động xã hội hoá đạt trên 86,4 tỷ đồng… Điển hình như tại huyện Đại Từ, phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” được người dân đồng lòng ủng hộ, hiến trên 33,8 ha đất và tài sản trên đất, kinh phí huy động xã hội hóa trên 54 tỷ đồng… góp phần đưa huyện cán đích nông thôn mới trước một năm.
Sự chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới của người dân đã giúp cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng khang trang, hiện đại, xanh, sạch…, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, dân sinh. Bên cạnh đó, Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Các lĩnh vực về giáo dục có sự phát triển cả về quy mô và chất lượng, y tế cơ sở được nâng cao chất lượng, đời sống văn hóa ở nông thôn, vệ sinh môi trường ở nông thôn được cải thiện rõ rệt, nổi bật là việc đầu tư, mở rộng đường giao thông, trồng hoa, cây xanh, cải tạo cảnh quan…
Theo ông Trần Nho Hưởng, năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu có thêm một huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới cần nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình “hộ gia đình nông thôn mới”, “xóm nông thôn mới kiểu mẫu”, “vườn mẫu”… xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn. Huyện đăng ký về đích năm 2024 phải xây dựng cụ thể thời gian, lộ trình để hoàn thành từng chỉ tiêu, tiêu chí.
Đối với cấp xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá lại theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, có giải pháp cụ thể đối với từng tiêu chí nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là các tiêu chí thuộc về nâng cao chất lượng cuộc sống người dân như: thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường và an toàn thực phẩm, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, tỉnh khuyến khích các địa phương chọn, xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu làm hạt nhân để phát triển thành phong trào lan tỏa rộng khắp, tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn và cộng đồng dân cư, góp phần đưa xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững hơn, tiến đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với các xã đang phấn đấu về đích, tỉnh yêu cầu tổ chức rà soát, đánh giá mức độ đạt các chỉ tiêu, tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng kế hoạch, cân đối nguồn lực để thực hiện, ưu tiên thực hiện các tiêu chí cần ít nguồn lực, tiêu chí thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh...