Theo đó, để chủ động ứng phó với thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị, thành phố, các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão số 3 và mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước do thiên tai có thể gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết, chủ động tổ chức sơ tán người dân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai, các hộ có nhà yếu, không đảm bảo an toàn; riêng khu vực miền núi, các địa phương chủ động ứng phó với nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, các ngầm tràn ngập sâu, sự cố các công trình giao thông, công trình hồ đập, thủy lợi khác... trên địa bàn.
Do ảnh hưởng của bão số 3, ngày 7/9 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có mưa vừa đến mưa to cùng với gió lốc đã gây thiệt hại về nhà cửa và sản xuất nông nghiệp của người dân. Theo báo cáo nhanh từ UBND các huyện, thị xã, thành phố, mưa, bão số 3 đã làm 1 người bị thương do bị cây đổ vào người khi tham gia giao thông (L.V. A, sinh năm 2004 quê xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân), hiện tại sức khỏe đã ổn định.
Mưa, gió lốc làm 79 căn nhà ở các huyện miền núi và 1 trường học bị thiệt hại. Hiện, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, huy động lực lượng giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại về nhà ở sớm ổn định đời sống. Mưa lớn cũng khiến diện tích đất nông nghiệp ở huyện Mường Lát, Bá Thước bị ảnh hưởng với gần 35 ha lúa, sắn, hoa màu bị đổ gãy…
Để chủ động ứng phó với bão số 3, ngay trong chiều 7/9, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức sơ tán 308 hộ/1.180 khẩu sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng đến nơi an toàn, trong đó huyện Như Xuân 21 hộ/61 khẩu; huyện Quan Hoá 142 hộ/533 khẩu; huyện Thường Xuân 123 hộ/500 khẩu; huyện Mường Lát 10 hộ/40 khẩu; huyện Lang Chánh 12 hộ…
Nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, các Công ty Khai thác công trình thủy lợi đã triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình được giao quản lý và chủ động bơm nước tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp tại các khu vực xảy ra ngập, lụt. Bảy trạm bơm tiêu hoạt động, trong đó có 1 trạm bơm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Sông Chu, 5 trạm bơm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuỷ lợi Bắc Sông Mã và 1 trạm bơm của huyện Hà Trung…
Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và các chuyến bay, Cảng hàng không Thọ Xuân thông báo ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay từ 12 giờ đến 22 giờ ngày 7/9.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa, từ đêm 7 đến sáng 8/9, ở khu vực Thanh Hoá tiếp tục có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa phổ biến ở khu vực phía Nam, Tây Nam từ 50 - 100mm có nơi trên 150mm; riêng khu vực phía Bắc, Tây Bắc như các huyện Cẩm Thuỷ, Thạch Thành, Bá Thước, Quan Hoá..., lượng mưa có khả năng đạt 70 - 150mm, có nơi trên 200mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.