Nằm tại xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, dự án Nhà máy Nước sạch huyện Nông Cống có tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và xây dựng môi trường Việt Nam làm chủ đầu tư. Theo quyết định phê duyệt, nhà máy khởi công xây dựng quý I/2019, đưa vào hoạt động quý IV/2019. Nhưng đã hơn 3 năm, nhiều hạng mục quan trọng của dự án vẫn chưa được thi công khiến người dân ở 12 xã của huyện Nông Cống và 1 số xã của huyện Như Thanh và thị xã Nghi Sơn vẫn mỏi mòn chờ nước sạch.
Ghi nhận thực tế vào tháng 8/2022, khu đất thực hiện dự án có diện tích hơn 3 ha đã được san nền và gần như bỏ hoang, khiến cây cỏ mọc um tùm, sắt thép hoen rỉ. Nhiều bao xi măng còn nguyên nhưng vứt bừa bãi ngoài trời đã biến thành đá.
Trên khu đất, chỉ có nhà điều hành 2 tầng được xây thô, 2 hồ chứa nước chưa xây dựng bờ bao xung quanh. Chủ đầu tư chưa lắp đặt các hạng mục liên quan đến công nghệ như bể lọc, hệ thống trung hoà clo rò rỉ; nhà máy hoá chất, bể chứa nước thải rửa lọc và xả cặn, bể lắng cặn, trạm bơm nước thô, trạm biến thế…
Ông Hoàng Hữu Tuê, xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống bức xúc, Thăng Thọ là một trong những xã vùng trũng của huyện, mùa mưa thì ngập lụt, mùa khô thì khan hiếm nguồn nước. Hiện nguồn nước ngầm cũng không đảm bảo vệ sinh, lẫn nhiều tạp chất, ô nhiễm nên người dân mong muốn chủ đầu tư sớm thi công các hạng mục còn lại để dân có nước sạch sinh hoạt.
Ông Bùi Huy Bình, xã Thăng Thọ bày tỏ, năm 2019 dự án khởi công và người dân phấn khởi, mong ngóng từng ngày vì nhu cầu sử dụng nước sạch rất lớn. Tuy nhiên, năm này qua năm khác, dự án vẫn ì ạch, không biết khi nào người dân mới có nước sạch để dùng dù đã kiến nghị địa phương thu hồi dự án nếu không tiếp tục thực hiện, tránh lãng phí đất đai.
Phó chủ tịch UBND xã Thăng Thọ Lê Đăng Thức cho hay, 12 xã thụ hưởng dự án trên địa bàn huyện Nông Cống đều là vùng chiêm trũng, hễ mưa lớn là ngập lụt. Đa phần người dân nơi đây dùng nước mưa để nấu ăn, còn tắm giặt vẫn phải dùng nước giếng khoan. Dự án chậm tiến độ không chỉ ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân mà quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại địa phương cũng bị vướng mắc, bởi trong tiêu chí phải có nguồn nước sạch bảo đảm vệ sinh mới được công nhận.
Trước tình trạng này, UBND huyện Nông Cống và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển - xây dựng môi trường Việt Nam đã nhiều lần làm việc về tiến độ dự án. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn không tiến hành xây dựng như tiến độ. Mới đây, ngày 11/8/2022, UBND huyện Nông Cống đã có buổi làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu Công ty có văn bản cam kết và kế hoạch cụ thể triển khai thi công các hạng mục công trình của dự án theo từng tháng (từ tháng 8/2022 đến 6/2023) gửi về UBND huyện Nông Cống để tổng hợp, báo cáo.
Huyện yêu cầu công ty cung cấp các hợp đồng nhập khẩu máy móc, thiết bị, các hồ sơ, tài liệu pháp lý của dự án để huyện có cơ sở giám sát đầu tư xây dựng theo quy định; yêu cầu chủ đầu tư tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương thi công các hạng mục công trình, chậm nhất tháng 6/2023 phải hoàn thành dự án đưa vào sử dụng
Trao đổi với phóng viên, ông Đồng Minh Quân, Phó chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết, dự án chậm tiến độ quá lâu, huyện đã nhiều lần thúc giục nhà đầu tư sớm thực hiện, nếu không sẽ báo cáo tỉnh có phương án xử lý. Trong buổi làm việc gần đây nhất, huyện đã yêu cầu phía chủ đầu tư cam kết và gia hạn đến tháng 6/2023 sẽ hoàn thành dự án đưa vào sử dụng.
Hiện nay, nhu cầu nước sạch sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày cảu người dân trên địa bàn các xã thuộc phạm vi cấp nước của dự án là cấp thiết. Thời gian tới, nếu dự án không thi công, huyện sẽ báo cáo tỉnh cho dừng đầu tư, tìm kiếm nhà đầu tư mới; đồng thời, sẽ kiến nghị điều chỉnh quy mô dự án, chuyển một số xã sang các nhà máy nước khác để dân sớm có nước sạch dùng…