Theo đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023- 2030 và những nội dung cơ bản của Đề án sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa thời gian tới. Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc định hướng nội dung tuyên truyền về các nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở…
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động, tích cực thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại địa phương, đơn vị.
Các cơ quan báo chí trong tỉnh mở chuyên trang, chuyên mục, ưu tiên dung lượng, thời lượng đăng tải các tin bài tuyên truyền công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh. Trước mắt, tập trung tuyên truyền việc tổ chức lấy ý kiến cử tri và thông qua HĐND cấp xã, huyện về chủ trương sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa. Theo đó, các đơn vị phân tích, nêu rõ các ưu điểm, ý nghĩa lịch sử, cơ sở pháp lý, thực tiễn việc lựa chọn tên gọi thành phố sau khi sáp nhập là “thành phố Thanh Hóa” để cử tri, nhân dân đồng thuận, thống nhất, nhất trí cao, nhất là đối với cử tri, nhân dân huyện Đông Sơn.
Các cơ quan báo chí Trung ương quan tâm tuyên truyền về tình hình thực hiện kết quả, kinh nghiệm và hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn. Trong đó, tập trung thông tin, tuyên truyền về sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội và đô thị hóa trên địa bàn tỉnh. Là bước cụ thể hóa mục tiêu Quy hoạch đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, tương xứng với vị thế thành phố Thanh Hóa- đô thị loại I; trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh; trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ của vùng Nam Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; đầu mối giao lưu tỉnh Thanh Hóa với cả nước …
Thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Toàn tỉnh thực hiện sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn thành 67 xã, phường, thị trấn, giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã - là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lớn nhất cả nước. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cũng đã thực hiện sắp xếp hơn 3.100 thôn, tổ dân phố thành hơn 1.500 thôn, tổ dân phố, giảm hơn một nửa so với khi chưa sắp xếp.
Trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, cùng với việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Đến nay, đã cơ bàn giải quyết xong chế độ chính sách và bố trí công việc phù hợp cho đội ngũ cán bộ cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sáp nhập. Đồng thời, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các phương án để sắp xếp công sản dôi dư sau sắp xếp…