Sau 20 năm thực hiện trên địa bàn Thanh Hóa, nguồn vốn tín dụng chính sách mà nòng cốt là các hoạt động cho vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa đã thực sự đóng góp vai trò quan trọng vào giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Từ 3 chương trình tín dụng chính sách ban đầu, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Thanh Hóa đã thực hiện cho vay 22 chương trình tín dụng chính sách. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến thời điểm hiện tại đạt trên 11.898 tỷ đồng, tăng 11.461 tỷ đồng so với năm 2002. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh; trong đó, tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 321 nghìn hộ ở Thanh Hóa vượt qua ngưỡng nghèo; hàng trăm nghìn lao động có việc làm; 637.000 công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn và 40.500 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được xây dựng...
Ngoài ra, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng đang tập trung triển khai cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đó, ngân hàng đã giải ngân hỗ trợ vốn ưu đãi cho 77 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; 261 khách hàng vay vốn mua, xây nhà ở xã hội; 1.986 người được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; 4.334 học sinh, sinh viên được tiếp cận với nguồn vốn để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến, với dư nợ ,4 tỷ đồng... Vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã thật sự trở thành “chìa khóa” cho người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Tại hội nghị, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, Hội Nông dân, các huyện miền núi Thanh Hóa như: Ngọc Lặc, Lang Chánh, Quan Hóa và những hộ dân được hưởng lợi từ việc vay vốn tín dụng chính sách… đã trình bày các tham luận, đánh giá hiệu quả của mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng hiện nay tại ngân hàng chính sách xã hội cũng như vai trò chỉ đạo của Ban đại diện hội đồng quản trị trong việc thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi khẳng định, để nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động tín dụng chính sách xã hội, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Theo đó, Thanh Hóa sẽ tập trung các nguồn lực, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo hướng phù hợp các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của từng địa phương, trong từng giai đoạn, đảm bảo tính ổn định, bền vững, từng bước nâng cao hiệu quả của các sản phẩm, dịch vụ tín dụng, gắn với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư...
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; đồng thời, mong muốn thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chương trình tín dụng chính sách để góp phần vào sự thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người của người dân trên địa bàn...
Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục bám sát chiến lược phát triển của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Qua đó, đưa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tiếp tục là trụ cột quan trọng trong giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thanh Hóa cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt từ 8-10%; trong đó, tập trung nguồn vốn vào địa bàn các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chương trình mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Hằng năm hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,1%/tổng dư nợ và nguồn vốn ngân sách địa phương được bổ sung hàng năm từ 60 tỷ đồng trở lên. Phấn đấu để tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác nếu có nhu cầu, có đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng và tiếp cận các dịch vụ tài chính do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tặng bằng khen cho 27 tập thể và 51 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện vốn vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2002-2022.