Năm 2021, từ chủ trương của Huyện ủy Lộc Ninh, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, hỗ trợ nguồn lực, triển khai di dời chuồng trại ra xa nơi ở, khu dân cư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, đầu mùa mưa, người dân chăn nuôi trâu, bò tại xã Lộc Hòa đã trở lại nuôi nhốt quanh nhà như trước.
Tái diễn tập quán nuôi nhốt sát nhà
Lộc Hòa thuộc xã biên giới của huyện Lộc Ninh với hơn 45% đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng sinh sống, chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi. Hầu hết người dân nơi đây đều chăn nuôi trâu, bò để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Xã Lộc Hòa hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm trên 55.000 con.
Từ năm 2021, các cấp chính quyền đã tuyên truyền, hỗ trợ, giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức đầy đủ hơn những tác động tiêu cực khi nuôi nhốt gia súc gần nhà ảnh hưởng đến môi trường sống, nguy cơ dịch bệnh phát sinh. Tuy nhiên, đầu mùa mưa 2024, một số hộ dân đã tái nuôi nhốt trâu, bò quanh nhà theo tập quán cũ, gây mất mỹ quan khu dân cư, tiềm ẩn xuất hiện nguy cơ dịch bệnh. Hình ảnh những chuồng trại gia súc sát vách nhà xuất hiện trở lại càng nhiều.
Hộ gia đình anh Điểu Canh sống tại ấp 8 dù không nuôi trâu, bò những vẫn thấy khó chịu khi mùi hôi bốc lên từ các chuồng trại của hàng xóm. Theo anh Điểu Canh, nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới sàn nhà, trước sân nhà là thói quen đã từ lâu của đồng bào dân tộc thiểu số. "Các hộ nuôi nhốt cạnh nhà rất mất vệ sinh. Mùa mưa này lại càng bẩn hơn do nền đất không được đắp bờ xung quanh nên mưa xuống nước chảy lênh láng, cuốn theo phân trâu, bò tràn ra ngoài đường, sân nhà và bốc mùi khó chịu", anh Điểu Canh cho biết thêm.
Anh Quang Tuấn ở xã Lộc Tấn cho biết mỗi khi đi xe máy đi làm ngang qua khu dân cư đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của xã Lộc Hòa cũng thấy khó chịu vì mùi hôi thối bốc lên từ vũng phân gia súc cạnh đường nông thôn. “Vào mùa mưa đi qua ấp của đồng bào dân tộc thiểu số, không khí bốc mùi khó chịu từ phân trâu, bò cột xung quanh nhà. Ngoài ra, vào buổi sáng, khi bà con đi chăn dắt trâu, bò thải phân vương vãi mặt đường nông thôn, thậm chí cả khu vực đường nhựa trung tâm xã”, anh Tuấn bức xúc nói.
Theo già làng Điểu Khởi, trước đây, hầu hết bà con chăn thả, nuôi nhốt trâu, bò xung quanh nơi ở là tập quán lâu đời. Bây giờ, việc nuôi nhốt xung quanh nhà, trước nhà vừa mất vẻ mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Tiếp tục vận động người dân nuôi nhốt xa nhà
Năm 2021, huyện Lộc Ninh đã có chủ trương thực hiện Dự án hỗ trợ người dân di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc ra khỏi khu dân cư để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giúp chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Nhiều hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Lộc Hòa nói riêng và nhiều xã tại huyện nói chung đã di dời trâu, bò ra xa nơi ở, khu dân cư theo quy định chung. Tuy nhiên, hiện nay vào mùa mưa một số hộ tái nuôi nhốt trở lại quanh nhà.
Già làng Điểu Khởi cho biết, thời gian qua đã tuyên truyền, nhắc nhở bà con chăn nuôi trâu bò cần nuôi nhốt xa nhà để tránh ô nhiễm. Người dân nơi đây cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, ít đất để làm chuồng trại xa nhà. Nhiều hộ vẫn dựa vào chăn nuôi trâu, bò để có thêm thu nhập phát triển kinh tế gia đình.
Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa Nguyễn Công Thành cho biết: Người dân tộc S’tiêng có phong tục tập quán nuôi nhốt gia súc sát nhà. Thời gian trước, khi có chủ trương của Huyện ủy Lộc Ninh thực hiện Dự án hỗ trợ người dân di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc ra khỏi khu dân cư, xã đã vận động đồng bào đưa vật nuôi ra xa nhà ở. Nhìn chung chủ trương thực hiện hiệu quả được khoảng 70-90%.
Vào đầu mùa mưa, một số hộ dân đã trở lại nuôi, nhốt trâu, bò sát nhà gây mất mỹ quan khu dân cư. Theo ông Nguyễn Công Thành, mùa nắng thì di dời rất dễ, nhưng đầu mùa mưa, một số hộ di chuyển gia súc cạnh nhà sau khi đi chăn về. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc mùa mưa, người dân không ngủ ngoài rẫy để trông coi đàn gia súc. Một số hộ có diện tích đất ít, nơi họ nuôi nhốt xa nhà trong mùa mưa lại bị ngập nước nên trở lại đưa vật nuôi về nhà...
Trước tình trạng người dân đưa đàn trâu, bò trở lại nuôi nhốt như trước kia gây mất mỹ quan, tiềm ẩn dịch bệnh, chính quyền xã Lộc Hòa định hướng tiếp tục dùng biện pháp “mưa dầm thấm lâu”, liên tục vận động để đồng bào dần thay đổi nhận thức về việc chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu dân cư, diện tích nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh xuất hiện các nguồn dịch bệnh.