Tiếp sức phát triển bền vững
Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có 241 hợp tác xã đang hoạt động. Trong đó có 136 hợp tác xã nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo việc làm cho 5.0 lao động là dân tộc thiểu số.
Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước tích cực phối hợp cùng các sở, ban, ngành triển khai các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế tập thể nói chung, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Đặc biệt, Liên minh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và thực hiện Đề án phát triển kinh tế hợp tác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh giai đoạn 2022-2025; Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả của nông nghiệp sản xuất, chế biến sâu và xuất khẩu sản phẩm chủ lực có quy mô lớn theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025, trong đó có các hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tiếp cận các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ cho các hợp tác xã trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng triển khai các chính sách hỗ trợ tuyên truyền, vận động phát triển, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xúc tiền thương mại, mở rộng thị trường, cho vay vốn...
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết, Liên minh đang triển khai Luật Hợp tác xã năm 2023; thành lập một tổ tư vấn về thành lập mới, củng cố hợp tác xã, vận hành và tổ chức hoạt động hợp tác xã.
Hằng năm, Liên minh hợp tác xã tiếp cận, vận dụng các chính sách để gắn kết các thành viên, các hợp tác xã thành viên và hợp tác xã trên toàn tỉnh để hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực về sử dụng chuyển đổi số, xây dựng kế hoạch kinh doanh, phương án sản xuất, nâng cao năng lực hội đồng quản trị các hợp tác xã.
“Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước hỗ trợ, đồng hành với các hợp tác xã để xây dựng phát triển mở rộng thành viên cũng như nâng cao năng lực hội đồng quản trị; đồng thời gắn kết với các sở, ngành để tạo ra quy trình sản xuất và hướng đến cho các thành viên sản xuất đồng bộ về chất lượng sản phẩm. Liên minh vừa đồng hành nâng cao năng lực, vừa đồng hành với hợp tác xã để nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu cho đối tác”, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết.
Góp phần xóa đói, giảm nghèo
Trong 136 hợp tác xã nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có 55 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, 45 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Các hợp tác xã này trong những năm qua đã và đang giúp nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp Điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch (thuộc thôn 5, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng) trong việc vận động thành viên tham gia chuỗi liên kết và xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng. Đến nay, Hợp tác xã đã có 202 thành viên liên kết tham gia, trong đó 121 thành viên là người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm gần 60%. Diện tích đất trồng điều đang tham gia liên kết của thành viên là 1.000 ha điều, nhiều hộ đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.
Anh Điểu Nu ở thôn 5, xã Đồng Nai (huyện Bù Đăng) cho biết, gia đình anh thu nhập chủ yếu dựa vào cây điều, do không biết canh tác nên năng suất thấp, thu nhập bấp bênh. Từ khi tham gia Hợp tác xã Nông nghiệp Điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch, gia đình anh đã có nguồn thu ổn định hơn trước. “Trước đây, lúc chưa có Hợp tác xã liên kết với các công ty thu mua nông sản, giá thu mua không ổn định. Từ khi có công ty ký kết thu mua, giá tăng lên từ 500-1.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, thành viên tham gia còn được hỗ trợ tiền phát cỏ 300.000 đồng/ha; cung cấp vốn không lãi cho người dân có kinh phí mua phân bón; hướng dẫn cách trồng xen canh và chọn một số giống điều mới có năng suất cao”, anh Điểu Nu chia sẻ.
Còn gia đình ông Điểu Đê cũng ở thôn 5, xã Đồng Nai, tham gia Hợp tác xã Nông nghiệp Điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch cho biết, rất yên tâm về đầu ra sản phẩm nông nghiệp. Theo ông Đê, trước đây bản thân ông cũng như người dân ở địa phương tự làm nông nghiệp nên năng suất thấp, thu nhập không cao. Từ khi được Hợp tác xã hướng dẫn bón phân hữu cơ, cách tỉa cành, tạo tán nên năng suất cao hơn. Đến nay, gia đình đã thoát khó khăn, cuộc sống ổn định hơn trước kia.
Bà Thị Khưi, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch cho biết, hợp tác xã sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững mang lại giá trị sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, không bị ép giá, đầu ra ổn định. Hợp tác xã đã liên doanh, liên kết với các công ty xuất khẩu điều hỗ trợ các thành viên canh tác điều theo hướng hữu cơ, cà phê sạch; đồng thời, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, mang lại lợi nhuận, nâng cao đời sống, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Cũng tại xã Đồng Nai, Hợp tác xã nông nghiệp K và M tại thôn 2 thu mua toàn bộ sản phẩm hạt điều tươi của người dân đồng bào thiểu số trồng điều trong thôn. Cách làm của Hợp tác xã nông nghiệp K và M vừa đảm bảo đầu ra cho người dân, có nguồn cung nguyên liệu tập trung cho doanh nghiệp thu mua đã ký kết.
Theo bà Điểu Thị Mơm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp K và M, thời gian qua, hợp tác xã đã liên hệ với các công ty về địa phương và được chọn làm vùng nguyên liệu để sản xuất điều hữu cơ. Hợp tác xã sẽ thu mua hạt điều thô tại địa phương, phơi khô rồi bán trực tiếp cho các công ty. Cách làm này giúp giá bán nông sản cao hơn so với trước đây.
Những kết quả trên khẳng định hiệu quả của việc hợp tác xã trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.