Hội thảo nhằm đánh giá hiệu quả triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Đồng thời khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, đề ra giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế tại Tây Ninh ngày càng hiệu quả.
Ông Đỗ Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh cho biết, việc thực hiện chuyển đổi số ngành Y tế gặp khó khăn trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người cao tuổi còn e ngại khi tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế trên nền tảng số. Chất lượng nhân lực chuyển đổi số của ngành cũng là vấn đề đáng lo ngại, khi đội ngũ chuyên gia ít, nhân lực am hiểu công nghệ số chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế khiến khả năng thành công trong chuyển đổi số bị hạn chế.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh Nguyễn Trung Hiếu cho biết, ngày 7/10/2020, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 2272/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án thiết lập hệ thống bệnh án điện tử nhằm đầu tư trang thiết bị phục vụ xây dựng bệnh án điện tử cho các bệnh viện và Trung tâm y tế công lập. Qua đó nhằm tạo lập một môi trường thông tin trực tuyến hỗ trợ nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, thiết lập hệ thống hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân. Ngành Y tế cần triển khai phần mềm quản lý y tế cơ sở trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế, xây dựng và hình thành hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân. Đồng thời xây dựng trung tâm dữ liệu y tế tập trung tích hợp dữ liệu của ngành, kết nối hệ thống dữ liệu của các bệnh viện, cơ sở y tế, bảo hiểm xã hội và hệ thống dùng chung…
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thông tin, kết quả nghiên cứu của Đoàn nghiên cứu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Tây Ninh cho thấy, những khó khăn của tỉnh cũng là thách thức chung của cả nước trong chuyển đổi số ngành Y tế.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi mong rằng, sau hội thảo, ngành Y tế tỉnh Tây Ninh sẽ có thêm nhiều ý kiến, tư liệu, từ đó tạo nên sự liên thông, thuận lợi, kịp thời với các thành tựu y tế trên thế giới và chia sẻ đến bệnh viện, cơ quan, đơn vị trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc nhận định, thách thức, khó khăn trong chuyển đổi số ở tỉnh hiện nay là kinh phí để đầu tư cho công nghệ; cần có nguồn lực lớn đầu tư vào nghiên cứu, sáng tạo để chủ động trong chuyển đổi số. Cùng với đó là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, bài bản đáp ứng cho nhu cầu chuyển đổi số… Ông kiến nghị, Bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu, ứng dụng trung tâm tích hợp dữ liệu chung trong cả nước để tích hợp hồ sơ sức khỏe toàn dân, từ đó tạo nên sự liên thông, đồng bộ trong các cơ sở y tế ở Trung ương đến địa phương và liên thông giữa cơ sở y tế công lập, ngoài công lập; cần có định hướng rõ ràng đồng bộ hóa về dữ liệu ngành.