Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hoài Nhơn, đã đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng nơi từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề và chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai khắc nghiệt, trở thành một đô thị mới, hứa hẹn nhiều tiềm năng nằm ở phía bắc tỉnh Bình Định.
Thị xã Hoài Nhơn được thành lập tháng 6/2020. Nơi đây vốn là chiếc nôi của phong trào cách mạng, có sự đa dạng về địa hình, điều kiện tự nhiên, hiện tại, dân cư đông đúc, nhiều dân tộc, tôn giáo cùng nhau sinh sống.
Với quyết tâm chính trị cao và giàu truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền thị xã Hoài Nhơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện tất cả các mặt, trong đó chú trọng thực hiện các chương trình, đề án điểm như: Phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, góp phần thay đổi diện mạo miền quê cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía bắc Bình Định.
Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp của địa phương phát triển mạnh, sớm được cơ giới hóa, thủy lợi hóa, áp dụng khoa học thời vụ, thu hút hàng vạn lao động tham gia. Đặc biệt, cách đây 5 năm, toàn thị xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Cuối năm 2023, Hoài Nhơn đã xóa nghèo thành công ở 3 xã, phường là Hoài Hải, Tam Quan Bắc và Tam Quan; 3 xã, phường này không còn hộ nghèo.
Năm 2024 và 2025, thị xã quyết tâm mỗi năm hoàn thành giảm nghèo bền vững ở 7 xã, phường còn lại tiến tới năm 2025, thị xã Hoài Nhơn không còn hộ nghèo, đồng thời xóa hết nhà tạm, nhà đột nát cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Theo Bí thư thị ủy Hoài Nhơn, ông Phạm Trương, những năm 2014 trở về trước, nhiều vùng đất nơi đây còn hoang hóa, thôn xóm còn những mái nhà tranh, không điện, không lối đi, đời sống nhân dân khó khăn, thiếu thốn bộn bề. Trước thực tế này, Thường trực Thị ủy Hoài Nhơn đã chủ trì Hội nghị định hướng về công tác giảm nghèo bền vững và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững, tạo sinh kế, trao “cần câu” là 1 trong những giải pháp quan trọng hàng đầu giúp dân giảm nghèo, thoát nghèo.
Phong trào phát triển sản xuất, vượt lên thoát nghèo, nâng cao cuộc sống từ đó được các cấp, các ngành chung sức, đồng lòng thực hiện, trong đó có đóng góp quan trọng, hiệu quả của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH)
Giám đốc NHCSXH thị xã Hoài Nhơn, bà Đặng Thị Hương, đã 22 năm trực tiếp tham gia tác nghiệp, điều hành tại tổ chức tín dụng đặc thù này, cho biết; từ khi thành lập (2023) đến nay, đơn vị luôn bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, được sự quan tâm chỉ đạo của Ngân hàng cấp trên, của lãnh đạo địa phương, cùng với tinh thần nỗ lực vượt khó khăn, thử thách của đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách, nên đã triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp, huy động được nguồn vốn lớn từ nhiều kênh, nhiều đối tượng, nhiều hình thức và khơi thông được dòng chảy vốn ưu đãi, góp phần thiết thực giúp dân giảm nghèo, nâng cao cuộc sống.
Những tháng ngày bền bỉ, tận tâm của những cán bộ tín dụng chính sách đã góp phần thu hái “trái ngọt” trên vùng đất, với tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện chỉ còn 619/60.856 hộ nghèo và 1891 hộ cận nghèo. Đến 30/6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách ở thị xã Hoài Nhơn đạt xấp xỉ 770 tỷ đồng, tăng 515 tỷ đồng so với năm 2014.
Kết quả trên đạt được khẳng định sự nỗ lực của NHCSXH Hoài Nhơn trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp huy động được nguồn vốn lớn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống của đông đảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả hộ mới thoát nghèo.
Kết quả trên cũng khẳng định cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của địa phương đã quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, thông qua công tác chỉ đạo quyết liệt việc chuyển giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước về một đầu mối là NHCSXH để sử dụng, quản lý theo quy định, đồng thời cân đối bổ sung ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để tăng thêm nguồn lực cho vay các đối tượng chính sách đặc thù tại địa bàn.
Toàn bộ nguồn vốn do Trung ương cấp, trong đó có 27, 641 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương chuyển sang do thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đến với tín dụng chính sách xã hội, đã được những cán bộ tín dụng chính sách thị xã Hoài Nhơn chuyển về đúng từng địa chỉ, từng đối tượng thụ hưởng, thông qua 17 Điểm giao dịch xã với 290 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở khắp thôn xóm, khối phố, giúp người dân có vốn chủ động xuống đồng, lên đồi, vươn khơi... vào vụ sản xuất, tạo ra nguồn thu ổn định.
Chị Phạm Thị Thu Thảo, ngụ khu phố 2, phường Bồng Sơn đã sử dụng 100 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm của NHCSXH thị xã Hoài Nhơn, đẻ đầu tư mua thêm máy móc, thiết bị ,mở rộng quy mô sản xuất Bột rau má sấy lạnh LAQUE, đáp ứng tiêu dùng của đông đảo khách hàng trong và ngoài địa bàn. Hiện cơ sở sản xuất của chị Thảo mang lại lợi nhuận100-120 triệu đồng/năm cho gia đình, và tạo việc làm ổn định cho 2-3 lao động, thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm “bột rau má sấy lạnh Laque còn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao.
Hoài Hải là xã điển hình trong chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện dân chủ, công khai từ khâu bình xét đối tượng vay vốn chính sách đến khâu sử dụng vốn vay hiệu quả; nhờ đó tạo điều kiện cho người dân giảm nghèo bền vững, làm giàu nhanh.
Theo ông Trần Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Hải, nhờ đồng vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ nghèo, cận nghèo của địa phương đã tạo được sinh kế, mở kios buôn bán phục vụ khách du lịch, cải thiện đời sống rõ rệt, chăm lo chu đáo việc học hành của con em.
Trên quê hương giàu truyền thống cách mạng Hoài Nhơn ngày nay, hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, có đủ điều kiện, đã được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước thuận lợi, kịp thời vào vụ sản xuất kinh doanh.
NHCSXH thị xã nhiều năm qua đã chuyển tải nhanh chóng nguồn vốn về khắp miền quê, đến đúng từng hộ nghèo, từng đối tượng chính sách. Song hành với công tác huy động nguồn lực, chuyển tải nguồn vốn về đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH thị xã Hoài Nhơn đã xây dựng, thực hiện phương thức quản lý tín dụng đặc thù, phù hợp với thực tế địa phương. Đó là việc cùng các tổ chức hội đoàn thể như Hội nông dân, phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên ký kết lại hợp đồng ủy thác vay vốn chính sách, tạo thành dây chuyền 4 nhà: “Ngân hàng, chính quyền, đoàn thể, Tổ TK&VV” chung tay góp sức giúp dân vay vốn, sử dụng vốn chính sách đầu tư hiệu quả trong phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, mở mang ngành nghề truyền thống.
Được biết, vốn tín dụng ưu đãi được NHCSXH thị xã Hoài Nhơn trong 10 năm qua đã giải quyết việc làm cho 2.452 lao động, duy trì và khôi phục các làng nghề truyền thống, ổn định cuộc sống; giúp cho 290 lao động đi làm việc ở nước ngoài; cho 616 hộ gia đình có vốn đầu tư tái đàn heo hơn 2.000 con sau bệnh dịch tả lợn châu Phi, góp phần bình ổn giá heo hơi trên địa bàn thị xã; giúp cho 198 lao động được vay vốn, tái đàn hơn 300 con bò sau dịch bệnh viêm da nổi cục; giúp cho 183 lao động, hộ gia đình có vốn đầu tư sản xuất, chuyển đổi nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định đời sống do dịch COVID-19; giúp cho 80 lượt lao động người tàn tật được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; giúp cho 670 hộ xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường tại khu vực đô thị.
Trên chặng đường 22 năm ròng rã hoạt động theo Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt sau 10 năm liền triển khai thực hiện mạnh mẽ Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH thị xã Hoài Nhơn đã có những đóng góp trọn vẹn với chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên quê hương giàu truyền thống cách mạng. Dòng vốn ưu đãi luôn được khơi thông, chảy đều đặn đến mọi nơi, trong mọi lúc, giúp dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, tạo thêm lực đẩy thị xã trẻ trở thành một phần quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh Bình Định.
Thời gian tới, NHCSXH thị xã Hoài Nhơn tiếp tục thực hiện sâu rộng Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư, tập trung huy động các nguồn lực tài chính, chuyển tải nhanh chóng các nguồn vốn đến đúng các địa chỉ, các đối tượng thụ hưởng, góp phần đầu tư đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.