Triển vọng từ mô hình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên

Xuất phát từ mong muốn khai thác tối đa lợi thế vùng chè, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm thịt lợn, tỉnh Thái Nguyên đã tiên phong nghiên cứu và ứng dụng đề tài khoa học: "Nghiên cứu, xây dựng quy trình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên".

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên kiểm tra mô hình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh.

Từ nhiều năm nay, bên cạnh thế mạnh về trồng chè, Thái Nguyên cũng được quy hoạch là vùng sản xuất chăn nuôi cung cấp thịt  cho các vùng lân cận. Vì vậy, việc phát triển chăn nuôi cũng được các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm.

Theo số liệu thống kê, hàng năm, ngành chăn nuôi của tỉnh cung cấp khoảng trên 95.000 tấn thịt cho thị trường, thu về khoảng 6.000 tỷ đồng. Mặc dù giá trị sản xuất chăn nuôi lợn tăng đều qua các năm, song chăn nuôi lợn của Thái Nguyên cũng như các tỉnh khác trong cả nước, gặp không ít khó khăn do giá thức ăn tăng cao.

Với ý tưởng khai thác triệt để ưu thế của vùng nguyên liệu trồng chè, vốn là thương hiệu của địa phương để góp phần năng cao giá trị thịt lợn, các nhà khoa học của trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã cho ra đời đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, xây dựng quy trình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên”, nhằm tăng sức đề kháng và nâng cao chất lượng thịt lợn, cũng như hướng tới xây dựng mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ gắn với thương hiệu đặc trưng của người dân Thái Nguyên.

Dự án thử nghiệm nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên được triển khai từ tháng 6/2023, do Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên, Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) nghiên cứu, thực hiện.

Đến nay, Dự án đã triển khai xong giai đoạn 1: Nghiên cứu thí nghiệm trên 72 con, gồm 2 giống lợn: Lợn đen bản địa và lợn ngoại, với 4 lô thí nghiệm/1 giống lợn (9 lợn/lô thí nghiệm), tương ứng với các mức bổ sung bột lá chè xanh Thái Nguyên là: 0%, 1%, 3% và 5%. Sau 6 tháng nuôi thí nghiệm, đã tiến hành mổ khảo sát, phân tích đánh giá chất lượng và năng suất thịt theo quy định.

Kết quả phân tích mẫu đối với lợn thịt có bổ sung bột lá chè xanh Thái Nguyên với các tỷ lệ 1%, 3%, 5% vào khẩu phần ăn được phối trộn với các nguyên liệu tự nhiên đã có sự khác biệt so với lô đối chứng.

Cụ thể, về đặc điểm thân thịt, tỷ lệ móc hàm tăng từ 1,04% đến 1,79%; độ dày của mỡ lưng giảm từ 2,31 đến 5,59 mm; tỷ lệ nạc tăng từ 1,37 % đến 3,99%; tỷ lệ mỡ giảm từ 8,36% đến 8,42%, Về chất lượng thịt lợn, theo kết quả phân tích độ pH của cả 4 lô thí nghiệm đều đạt từ 5,5 đến 6,5 đảm bảo yêu cầu, tỷ lệ mất nước sau bảo quản và sau chế biến thấp hơn từ 0,53% đến 0,64%. do đó, khả năng giữ nước và độ tươi của thịt ở lô 3%, 5% sẽ được đảm bảo và kéo dài hơn.

Đặc biệt, về thành phần hóa học, tỷ lệ protein của lô thí nghiệm 3%, 5% cao hơn so với lô đối chứng từ 1,33% đến 1,79%, không phát hiện tồn dư kháng sinh và hormone sinh trưởng trong thịt lợn ở các lô thí nghiệm, chỉ tiêu vi sinh vật thịt tươi đảm bảo trong giới hạn theo tiêu chuẩn thịt tươi theo TCVN 12429-1:2018 về thịt mát...

Dự án cũng xây dựng được 2 quy trình kỹ thuật, gồm quy trình kỹ thuật chăn nuôi, nuôi dưỡng, phòng trị bệnh cho lợn thịt từ thức ăn tự nhiên bổ sung bột lá chè xanh Thái Nguyên và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung bột lá chè xanh Thái Nguyên.

Chú thích ảnh
Chị Nguyễn Thị Điệp, xóm Trại Cài, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, chuẩn bị đàn lợn giống để chăn nuôi bằng thức ăn có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên.

Triển khai giai đoạn 2, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục ứng dụng kết quả đã nghiên cứu thành công trong giai đoạn 1 để xây dựng mô hình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 16 hộ dân thuộc 8/9 huyện, thành phố đăng ký nuôi 1.300 con lợn (trong đó lợn đen bản địa 510 con, lợn ngoại thương phẩm 790 con).

Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố, Trường Đại học Nông lâm tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên cho gần 60 lượt hộ trang trại, chủ cở sở, hộ gia đình, hộ chăn nuôi và các cán bộ quản lý trên địa bàn tỉnh về quy trình kỹ thuật nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên, tư vấn cho hộ gia đình về các địa chỉ cung cấp giống lợn uy tín trong nước, địa chỉ cung cấp bột trà xanh.

Là một trong những hộ dân tham gia nuôi lợn từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh, chị Nguyễn Thị Điệp, trú tại xóm Trại Cài, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: "Gia đình tôi hiện nuôi khoảng 40 - 50 con, lợn rừng, sau khi tham gia lớp tập huấn do tỉnh tổ chức và được hướng dẫn cách chăn nuôi lợn từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh, tôi đặt bột trà xanh của các hộ xung quanh vừa làm, vừa nghiên cứu và áp dụng vào thực tế chăn nuôi của gia đình. Hy vọng với sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn, đàn lợn nuôi bằng thức ăn có bổ sung nguyên liệu chè xanh sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn phương thức chăn nuôi thông thường">

Về triển vọng tiêu thụ thịt lợn được nuôi từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên, cho biết: Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thịt lợn được nuôi từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên; mới đây, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cũng đã trực tiếp làm việc với 6 đơn vị, tập đoàn doanh nghiệp, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Các đơn vị đều ủng hộ, nhất trí về quan điểm và cam kết sẽ nghiên cứu, đề nghị với cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp trong việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn trà xanh.

Tính đến cuối tháng 9 năm 2024, đã có 3 đơn vị ký kết Biên bản ghi nhớ với Sở Công Thương về hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin, xúc tiến làm việc với các đơn vị còn lại để ký kết biên bản ghi nhớ, đồng thời nghiên cứu, tìm kiếm để kết nối với các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm từng bước quảng bá, tìm kiếm thị trường hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thịt lợn được nuôi từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên…

Tại cuộc họp nghe báo cáo tiến độ triển khai thực hiện thử nghiệm Đề tài nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên tổ chức vào giữa tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố quan tâm, quyết liệt trong việc triển khai mô hình thử nghiệm nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên theo đúng Đề tài đã được phê duyệt.

Đồng thời, yêu cầu Trường Đại học Nông Lâm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và theo sát việc đăng ký sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm thịt lợn được nuôi từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên; giao Sở KH&CN và Trường Đại học Nông Lâm hướng dẫn, chuyển giao công nghệ sản xuất bột chè xanh và quy trình phối trộn thức ăn để các hộ chăn nuôi có thể chủ động nguồn thức ăn tại địa phương nhằm giảm thiểu tối đa chi phí trong chăn nuôi thử nghiệm mô hình...

Hoàng Nguyên 
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN