Tăng cường đổi mới, sáng tạo
Ông Lê Văn Quốc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết, thời gian qua, Ban Dân vận tỉnh luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận; nỗ lực, thực hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu về công tác dân vận cho Tỉnh uỷ.
Đặc biệt, trong hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Dân vận Tỉnh ủy Tuyên Quang đã tích cực tham mưu, cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm về công tác dân vận vào các kế hoạch và chương trình hành động; đổi mới về nội dung, sáng tạo trong phương thức thực hiện, vừa phù hợp với nhiệm vụ chính trị và điều kiện của từng địa phương, đơn vị, vừa tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Chú trọng tham mưu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ". Tham mưu lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 02 ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; gắn thực hiện đề án với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung vào 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm; các nghị quyết, đề án, kế hoạch trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Công tác dân vận được đổi mới với nhiều hình thức sáng tạo, chất lượng và hiệu quả hơn. Cụ thể, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp, kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; hệ thống dân vận tăng cường giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách liên quan đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hoá các kênh thông tin theo hướng sáng tạo, hiệu quả…
Trên 110.000 lượt cán bộ, đảng viên thực hiện “3 cùng”
Thực hiện Đề án số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã hướng dẫn việc vận động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp về thôn, bản ít nhất 1 ngày/tháng theo phương châm “3 cùng” tham gia lao động, sản xuất với Nhân dân.
Một trong những địa phương đi đầu của tỉnh Tuyên Quang trong thực hiện “3 cùng” là huyện Hàm Yên. Để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới, những năm gần đây, huyện Hàm Yên thường xuyên thực hiện phong trào “Ngày thứ 7 cùng dân” hay “Ngày thứ 7 làm nông thôn mới”. Theo đó, thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần cán bộ, đảng viên trực tiếp xuống các thôn bản trên địa bàn, cùng Nhân dân tổ chức các hoạt động, tham gia lao động vệ sinh môi trường, xử lý rác rác thải, trồng hoa, cây xanh, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp... Đến nay, huyện Hàm Yên đã huy động được trên 260.000 lượt cán bộ, đảng viên và người dân tham gia trồng và chăm sóc gần trên 360 km đường hoa; lắp đặt hơn 134 km đường điện thắp sáng.
Cùng mục đích gần dân để chia sẻ khó khăn, công việc với Nhân dân, tăng cường mối gắn kết với Nhân dân, qua đó nắm bắt tình hình địa bàn góp phần đảm bảo an ninh trật tự; thời gian qua, Công an tỉnh Tuyên Quang cũng sôi nổi và tích cực tham gia thực hiện “3 cùng” tại các thôn, bản trên địa bàn tỉnh. Với đặc thù của ngành là đội ngũ công an chính quy đã được bố trí tại tất cả các xã, thị trấn, thường xuyên tiếp xúc, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của người dân, cho nên càng thuận lợi trong thực hiện phong trào.
Qua triển khai thực hiện “3 cùng”, toàn tỉnh Tuyên Quang có trên 2.600 lượt chi bộ, đảng bộ, trên 110.000 lượt cán bộ, đảng viên xuống cơ sở tham gia các hoạt động với gần 270.000 lượt người dân cùng tham gia... Bên cạnh đó, đã giúp trên 500 hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn sửa nhà, làm nhà mới; tham gia vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên 0 nhà văn hóa; trồng, chăm sóc trên 600 km tuyến đường hoa; làm đường bê tông, đắp hoàn mang đường bê tông trên 97,1 km; khơi thông cống rãnh, vệ sinh gần 2.000 km đường làng, ngõ xóm; vận chuyển, lắp đặt 26,1km cấu kiện kênh mương bê tông đúc sẵn; thu gom…; phân loại xử lý rác thải; hỗ trợ xây dựng 177 lò đốt rác thải; hỗ trợ, thực hiện trên 140 km tuyến đường thắp sáng đường quê...
Thông qua các hoạt động tại cơ sở, các cơ quan chức năng hỗ trợ tuyên truyền và hướng dẫn công tác xuất khẩu lao động; giải đáp, hỗ trợ Nhân dân tích hợp thông tin giấy phép, đăng ký xe, tích hợp thông tin thẻ căn cước công dân, hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện chuyển đổi số… kịp thời phát hiện, giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh ở cơ sở, tăng cường mối gắn bó với Nhân dân, đồng thời, củng cố chặt chẽ niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng
Lan toả các phong trào, chương trình thiết thực
Năm 2023 là năm thứ hai tỉnh Tuyên Quang thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu thực hiện hỗ trợ xoá nhà tạm nhà dột nát cho 3.820 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 1.064 nhà (làm mới 1.014 nhà; sửa chữa 50 nhà), đạt 94% kế hoạch thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo năm 2023. Lũy kế từ khi thực hiện Đề án đến nay, toàn tỉnh có 3.528 hộ nghèo được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở (làm mới 3.256 nhà, sửa chữa 272 nhà), đạt trên 85% so với cả giai đoạn 2021 - 2025; tổng kinh phí huy động thực hiện đạt gần 400 tỷ đồng.
Đây là kết quả từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, là sự tham gia tích cực của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng sự đồng thuận lớn của các tầng lớp Nhân dân... trong việc huy động nguồn lực xoá nhà tạm, nhà dột nát.
Một trong những phong trào tạo được sự lan toả và hiệu ứng rõ rệt khác là phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa". Hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng trên 2.000 mô hình tổ tự quản, trên 2.600 nhóm tự quản về bảo vệ môi trường, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở khu dân cư, trong đó có trên 1.400 tổ, nhóm lắp đặt được biển mô hình. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã vận động đoàn viên, hội viên, thành viên các tổ, nhóm tự quản và Nhân dân đóng góp xây dựng trên 55 nghìn bể, hố xử lý rác, gần 27.000 thùng rác... Nhiều mô hình tự quản ở khu dân cư đi vào nền nếp và hoạt động tích cực, có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở cộng đồng dân cư trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, trọng tâm là cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền, tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia rộng rãi vào quá trình cụ thể hóa chính sách; tích cực phát huy vai trò, sự tham gia của Nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận của MTTQ, các tổ chức CT-XH và Hội quần chúng, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cùng với đó, quan tâm công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có tôn giáo; xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng cốt cán và phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo…/.