Ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất lúa ở Đồng Tháp được áp dụng với các phương pháp cấy bằng máy, bón vùi phân, kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ trong quản lý nước, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng phương tiện bay không người lái, ghi chép nhật ký sản xuất và truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh… Qua đó, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất lúa năm 2020 của tỉnh đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 nghìn tỷ đồng so năm 2017. Năng suất lúa bình quân tăng thêm 3kg/ha/năm so với thực hiện năm 2017. Lợi nhuận bình quân đạt 12,8 triệu đồng/ha/vụ, tăng từ 1 đến 6 triệu đồng/ha so với quy trình sản xuất truyền thống.
Khởi đầu cho việc áp dụng công nghệ thông minh trong sản xuất lúa ở Đồng Tháp là mô hình canh tác lúa lý tưởng của nông dân ở Hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười. Mô hình áp dụng đồng bộ 3 khâu trong một máy cơ giới như: cấy lúa, bón phân vùi phân thông minh (tan chậm) theo gốc lúa, kết hợp phun xịt thuốc diệt cỏ dại tiền nảy mầm, diệt ốc.
Đồng thời, trang bị cho nông dân hệ thống cảm biến mực nước thông minh, hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời và thiết bị bơm tưới nước tự động. Nông dân bơm nước vào hay rút nước ra sẽ thao tác bằng cách điều khiển qua điện thoại thông minh.
Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Mỹ Đông 2 cho biết, từ khi có hệ thống cảm biến mực nước thông minh, việc quản lý bơm, rút nước rất thuận tiện và thao tác dễ dàng bằng điện thoại thông minh. Hằng ngày, chỉ cần mở app trên điện thoại ra, xem mức nước thế nào, quyết định bơm vào hay rút nước ra chỉ một thao tác nhấn bàn phím điện thoại. Nhờ vậy, tiết kiệm được lượng nước, tiết kiệm được tiền điện sử dụng cho trạm bơm. Qua thực hiện mô hình đã giúp nông dân nắm bắt được tiến bộ kỹ thuật, giảm chi phí vật tư đầu vào, giảm chi phí nhân công lao động từ 2 – 3 lần.
Tại xã Mỹ Đông nông dân được trang bị hoạt động của Trạm giám sát sâu rầy thông minh, đặt tại cánh đồng lúa của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Rynan Technologies Việt Nam cho biết, Trạm giám sát sử dụng ánh sáng đèn led để kích thích và dẫn dụ sâu rầy trên diện rộng; sử dụng camera trí tuệ nhân tạo để giám sát.
Mạng lưới tự động nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy; tự động đưa ra các cảnh báo và dự báo sâu rầy thông qua phần mềm quản lý trung tâm SaaS. Chỉ cần mở phần mềm cài sẵn trên điện thoại là có thể biết được mật độ sâu rầy trong từng thời điểm, chủng loại gì, rồi mới quyết định phun thuốc hay không, chứ không phải như trước đây cứ thấy sâu rầy là xịt ngay.
Vào tháng 10/2020 tại xã Mỹ Đông, UBND tỉnh Đồng Tháp đưa dự án cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến tiết kiệm nước, ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 vào hoạt động tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2 với diện tích 170 ha. Đây là cánh đồng mẫu đầu tiên trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ hiện đại, cơ giới hóa vào tất cả các khâu trong sản xuất.
Dự án áp dụng thiết bị cấy máy, bón vùi phân, áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ trong quản lý nước; sử dụng thiết bị giám sát sâu rầy thông minh, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái; sử dụng cơ giới trong thu hoạch lúa và gom rơm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua mã QR code.
Thông qua việc ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào canh tác giúp nông dân giảm giá thành sản xuất khoảng 400 đồng/kg lúa, lợi nhuận thu được cao hơn gần 10 triệu đồng/ha so với quy trình sản xuất truyền thống. Có thể nói, mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm nhân công lao động. Đặc biệt, áp dụng phun thuốc bằng phương tiện bay không người lái sẽ cho năng suất cao gấp khoảng 20 lần so với phun thủ công, tiết kiệm khoảng 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật so với truyền thống.
Ông Bùi Văn Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười cho biết, mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh ngoài ra giúp giảm thất thoát, chi phí thu hoạch, mô hình này còn giúp nông dân giảm chi phí vật tư đầu vào, nhân công lao động, lượng giống gieo sạ 60 kg/ha, số lượng phân bón 300 kg/ha, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật trước 40 ngày sau cấy và không sử dụng thuốc trừ bệnh trong 20 ngày trước khi thu hoạch... góp phần bảo vệ thiên địch, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Tại cánh đồng lúa hơn 1.000 ha của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tiến Cường ở huyện Tam Nông, vừa qua được thực hiện sản xuất lúa bằng phân bón thông minh được Công ty Rynan Agrifoods hỗ trợ kỹ thuật. Thửa ruộng 7 ha của ông Nguyễn Bá Luận sử dụng phân bón thông minh, ông cho biết không bị bệnh đạo ôn, đốm vằn hay sâu cuốn lá, còn ruộng bên cạnh bị bệnh rất nhiều.
Giám đốc HTX Lê Thanh Hiệp cho biết, mô hình dùng phân bón thông minh rất hiệu quả như: lượng phân N-P-K dùng chỉ bằng 50-60%, tiết kiệm được chi phí thuê nhân công bón phân 4 lần/vụ, giảm phun thuốc 2-3 lần/vụ và không bị hao hụt do lúa bị người rải phân, phun thuốc đạp chết. Năng suất cao, chất lượng lúa gạo cũng cao hơn ruộng làm theo cách truyền thống. Tất cả xã viên của HTX sử dụng phân bón thông minh.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho nhân rộng trong tỉnh mô hình “Cánh đồng thông minh” ứng dụng các giải pháp công nghệ cao.