Diễn biến phức tạp
Theo ông Đỗ Huy Lập, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sóc Trăng, từ ngày 21-29/2, độ mặn cao nhất tại các điểm đo xuất hiện trong những ngày giữa tuần, các điểm đo trên sông Mỹ Thanh ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước từ 2,1‰ trở xuống. Cụ thể, trên sông Hậu: Thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề) 14,3‰, huyện Long Phú 10,9‰, thị trấn Đại Ngãi (huyện Long Phú) 4,1‰, Rạch Mọp (giáp ranh huyện Long Phú và huyện Kế Sách) 3,7‰, Cái Trâm (huyện Kế Sách) 0,5‰. Độ mặn trên sông Mỹ Thanh: Dù Tho 5,2‰, tại xã Thạnh Phú 0,5‰, thành phố Sóc Trăng 2,0‰.
Ông Đỗ Huy Lập thông tin, dự báo từ ngày 1-10/3, độ mặn cao nhất tại các điểm đo đang có xu thế lên trong những ngày đầu tuần do tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc, độ mặn tại các điểm đo trên sông Mỹ Thanh có khả năng ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước từ 1,8-7,7‰. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên sông Hậu và sông Mỹ Thanh (của tỉnh Sóc Trăng) ở mức cấp độ 2.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, tỉnh có vị trí địa lý giáp biển nên hằng nằm vào mùa khô thường xuyên bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Các vùng có nguy cơ cao như, huyện Trần Đề, huyện Long Phú và huyện Kế Sách (không có cống ngăn mặn). Các vùng còn lại có đê bao và cống ngăn mặn, trữ ngọt nhưng vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu xâm nhập mặn diễn ra gay gắt như: Huyện Châu Thành, huyện Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Tú, huyện Cù Lao Dung và thành phố Sóc Trăng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú (Sóc Trăng) Huỳnh Quốc Lâm, địa phương nằm ven sông Hậu, trực tiếp chịu ảnh hưởng của mặn xâm nhập; trong những ngày đầu tháng 2/2024 đến nay, độ mặn cao nhất đo được tại bến phà Đại Ân (phà từ huyện Long Phú qua Cù Lao Dung) lên tới 12g/l (12 ‰). Hiện toàn huyện có trên 30 cống ngăn mặn; trong đó, 14 cống cỡ lớn và 16 cống cỡ nhỏ. Tất cả đều được đóng kín nhằm tránh tình trạng mặn xâm nhập vào nội đồng.
Đối với huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thông tin, những ngày qua độ mặn trên 4‰ luôn thường trực ở các xã như: An Thạnh Nam, An Thạnh Ba, An Thanh Nhì, Đại Ân 1. UBND huyện đã hướng dẫn các nhà vườn tích trữ nước ngọt trong các ao mương, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho các cây trồng; riêng với cây mía, những diện tích đã thu hoạch xong, UBND huyện khuyến cáo nông dân chỉ bắt đầu trồng vụ mới vào giữa tháng 4/2024 khi bắt đầu có mưa đầu mùa….
Giải pháp ứng phó
Huyện Long Phú đặt mục tiêu chủ động ứng phó nhanh, kịp thời và có hiệu quả trước tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 – 2024, trong đó tập trung mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống xâm nhập mặn, đảm bảo thực hiện tốt trữ ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Ông Huỳnh Quốc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú cho hay, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền diễn biến tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng; đặc biệt thông tin về số liệu đo mặn hàng ngày tại các trạm quan trắc đến lãnh đạo UBND huyện, xã, thị trấn và các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook) để người dân ứng phó. Huyện tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó hạn hán xâm nhập mặn như đắp đập tạm, bờ bao cục bộ, trữ nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Ông Huỳnh Thanh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết, huyện là địa phương sản xuất nông nghiệp nằm giáp biển Đông nên chịu ảnh hưởng trực tiếp triều cường, nước biển dâng, đặc biệt là mặn xâm nhập. Huyện hiện có 26 cống ngăn mặn cỡ lớn, 200 cống ngăn mặn cỡ nhỏ và trên 80km đê bao, cơ bản đáp ứng nhu cầu ứng phó mặn xâm nhập.
UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn thông tin tuyên truyền, hướng dẫn từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn. Ngành chức năng thực hiện tốt dự báo tình hình mặn xâm nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng ; theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn, nguồn nước trên các sông, rạch để vận hành hệ thống cống để người dân chủ động trữ nước tưới phục vụ sản xuất.
Cũng theo ông Huỳnh Thanh An, địa phương đang vận động người dân chủ động đắp gia cố các bờ bao cục bộ, nạo vét hệ thống kênh nội đồng để ngăn mặn trữ ngọt; ngành chức năng khảo sát kiểm tra hệ thống các công trình thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị xuống cấp, đắp đập ngăn mặn,...
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay, độ mặn đang ở mức cao. Để đảm bảo an toàn cho sản xuất, Sở đề nghị các địa phương chủ động tăng cường công tác thông tin về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân ứng phó kịp thời; sử dụng nước ngọt tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chia sẻ nguồn nước trong hoạt động sản xuất tại địa phương.
Các địa phương chủ động kiểm tra nguồn nước trước khi lấy nước vào bơm, tưới trong sản xuất nông nghiệp. Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chuyên môn trong thời gian diễn ra xâm nhập mặn. Ngành chức năng vận hành hợp lý công trình thủy lợi; đồng thời khuyến cáo người dân tích trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.