Tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), tình trạng vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, sử dụng vào nhiều mục đích riêng ở nhiều khu vực, tuyến đường, tuyến phố, gây cản trở giao thông, mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Tình trạng xây dựng công trình không phép, sai phép, không đúng mục đích sử dụng đất, xây dựng lấn chiếm vỉa hè, đất công, vi phạm hành lang an toàn bảo vệ các công trình, hành lang an toàn giao thông ở các khu đô thị, khu dân cư còn chưa được xử lý triệt để. Thành ủy Hạ Long đã ban hành Chỉ thị 20-CT/TU ngày 16/5/2023 về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Giành lại không gian cho cộng đồng
Theo UBND thành phố Hạ Long, sau hơn 4 tháng triển khai Chỉ thị 20, bộ mặt đô thị thành phố đã có nhiều thay đổi, người dân có được nhiều không gian cho sinh hoạt cộng đồng, đường thông, hè thoáng, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh môi trường được cải thiện rõ rệt. Kết quả đó phản ánh nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc kiên quyết triển khai thực hiện chỉ thị.
Đến nay, trên 3.300 chậu cảnh, gần 2.500 thùng xốp trồng cây, gần 600 vật dụng để rác để trên vỉa hè đã được di dời; khoảng 100 biển quảng cáo, biển vẫy; trên 2.700 m2 mái đua, mái vẩy; 910 m2 bạt che làm khuất tầm nhìn, mất mỹ quan đô thị được tháo dỡ.
Lực lượng chức năng kiểm tra 290 công trình xây dựng, phát hiện 56 trường hợp vi phạm quy định về trật tự xây dựng; lập hồ sơ xử phạt trường; buộc tháo dỡ 3 trường hợp; cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả 4 trường hợp. Cùng với đó, nhiều vụ vi phạm trên các lĩnh vực, môi trường, quy hoạch, xây dựng… được xử lý.
Mới đây, tại phường Hồng Hải, lực lượng chức năng đã tháo dỡ các công trình trên 4 tuyến mương Hải Hà, Hải Lộc, Hải Thịnh và Hải Phúc do xây dựng sai quy hoạch; nhiều hạng mục công trình sai mục đích sử dụng đất được duyệt trước đó; lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ để trưng bày cây cảnh và hàng hóa khác; che chắn tầm nhìn do lắp đặt các biển quảng cáo sai quy định, nhiều cây xanh cao cản trở tầm nhìn…
Việc tháo dỡ các công trình này trả lại không gian cho cộng đồng, nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Anh Phạm Tùng (42 tuổi, phường Hồng Hải) cho biết, từ khi các tuyến mương Hải Lộc, Hải Thịnh được tháo dỡ, không gian đô thị rất thoáng, người dân có chỗ đỗ xe, một số người còn tập thể dục, trẻ con chơi ở khu vực này rất gần nhà và an toàn…
Tháo dỡ gần 1.000 "chuồng cọp"
Cùng với tạo không gian thoáng trên các tuyến đường, tuyến phố, vỉa hè, thành phố Hạ Long tập trung tháo dỡ các lồng sắt, "chuồng cọp", những công trình trên cống thoát nước, lối thoát hiểm ở khoảng không phía sau giữa hai dãy nhà bị các hộ dân lấn chiếm để làm các công trình phụ.
Địa bàn thành phố Hạ Long còn tồn tại nhiều hộ dân lấn chiếm khoảng không phía sau giữa hai dãy nhà để lợp mái tôn, thậm chí có nơi người dân còn xây dựng kiên cố, quây, lợp mái tôn, lắp song sắt chuồng cọp, làm bếp đun nấu, chứa đồ, bịt kín cống thoát thải, lối đi. Tình trạng này không chỉ gây mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị mà còn khiến nước thải không lưu thông, tắc cống ngầm; cản trở lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tình huống khẩn cấp.
Tại phường Hồng Hà, sau khi triển khai Chỉ thị 20, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể đã tổ chức nhiều cuộc họp để vận động, giải thích tuyên truyền cho người dân; lên kế hoạch xây dựng hệ thống thoát nước, kết hợp với làm đường thoát hiểm với tinh thần các hộ dân tự nguyện tháo dỡ, dọn dẹp các công trình, trả lại hiện trạng khoảng không, đến nay đã có khoảng 100 hộ dân tự nguyện tháo dỡ các công trình lấn chiếm.
Ông Phạm Quang Đô, Tổ trưởng Tổ 7 khu 4 và ông Vũ Ngọc Nhiều, Bí thư, Khu trưởng Khu 4 phường Hồng Hà chia sẻ, lúc đầu đi vận động, một số hộ dân chưa đồng thuận, vì cho rằng lợp mái, che chắn các công trình phía sau sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên các cấp chính quyền, đoàn thể phường đã kiên trì tuyên truyền cho người dân về pháp luật khi lấn chiếm đất công, khoảng không để sử dụng vào mục đích cá nhân. Cùng với đó, lực lượng chức năng phân tích cho dân hiểu lợi ích của việc tháo dỡ các công trình lấn chiếm sẽ thuận lợi cho việc nạo vét tuyến mương, khắc phục tình trạng tắc cống, bốc mùi hôi thối, hoặc tràn vào nhà dân khi triều dâng, hoặc khi mưa nhiều. Mặt khác, việc làm này sẽ giúp tạo lối thoát nạn, thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ, nên nhân dân đã tháo dỡ và vận chuyển các loại đất, đá thải từ công trình của mình đi nơi khác, trả lại tuyến mương để UBND phường bố trí lực lượng làm lại các tấm đan xi măng phía sau nhà không can thiệp làm ảnh hưởng đến kết cấu và việc thoát thải.
Là một trong những hộ dân đã làm mái đua khoảng 5m ở phía sau nhà để nuôi chó, mèo…, gia đình ông Nguyễn Văn Cộng (Tổ 7, Khu 4 phường Hồng Hà) đã tự nguyện tháo dỡ. Ông Cộng cho biết, trước đây, mỗi nhà đua mái ra một chút, tạo thành trào lưu. Tuy nhiên, sau một thời gian, cống bốc mùi hôi thối. Khi phường vận động, ông đã chấp hành, tự nguyện tháo dỡ. Điều này không chỉ đảm bảo môi trường, mà còn có lối thoát hiểm khi không may xảy ra sự cháy nổ. Hơn nữa, khoảng không phía sau sạch sẽ, các hộ dân có cơ hội để giao lưu, trò chuyện, gắn kết tình làng xóm hơn.
Hiện nhiều hộ vẫn vi phạm, hoặc tái vi phạm trên các lĩnh vực về môi trường, trật tự đô thị, xây dựng và quy hoạch. Do vậy, trong thời gian tới, thành phố Hạ Long tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý, quy hoạch, xây dựng quy chế, quy định về việc quản lý sửa dụng lòng đường vỉa hè. Thành phố tập trung kiểm tra, rà soát, có giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại về vi phạm trật tự xây dựng tại các dự án, khu đô thị, các trường hợp vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn đã được phát hiện. Thành phố sẽ hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang 50 điểm tập kết, trung chuyển rác chưa đảm bảo mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường.