Là xã thuần nông, diện tích đất nông nghiệp chiếm 90,22% tổng diện tích tự nhiên toàn xã, Thới Hưng dựa vào sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế-xã hội. Với định hướng giai đoạn 2020 - 2030, tập trung vào thế mạnh phát triển kinh tế tập thể và kinh tế vườn, Đảng bộ, chính quyền và người dân đã đưa Thới Hưng trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu thứ 2 của huyện Cờ Đỏ.
Đến cuối năm 2023, xã Thới Hưng đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Với thế mạnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế tập thể, Thới Hưng chọn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu theo lĩnh vực nổi trội về “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn”.
Là địa phương trồng cây ăn quả chủ lực của huyện Cờ Đỏ, hiện Thới Hưng có diện tích vườn cây ăn quả trên 4.200 ha, chiếm trên 65% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn xã, với các loại cây chủ lực như: xoài (xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan,...) gần 2.000 ha, mãng cầu (xiêm, na,...) trên 772 ha, nhãn (thanh nhãn, nhãn idor...) gần 584 ha, mít (mít Thái, mít ruột đỏ,...) trên 400 ha,...
Trên địa bàn xã có khoảng 253 hộ tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể. Hiện xã Thới Hưng đã thành lập được 9 hợp tác xã và 11 tổ hợp tác. Các mô hình kinh tế tập thể hướng đến liên kết sản xuất quy mô lớn dần được hình thành. Tiêu biểu là Hợp tác xã Cây ăn trái Thái Thanh, Hợp tác xã mãng cầu Thới Hưng hoạt động hiệu quả, có ký kết hợp đồng liên kết.
Nhiều mô hình trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP không ngừng được nhân rộng với 12 vùng nguyên liệu 224,9 ha được cấp mã vùng trồng, bao gồm: vùng trồng nhãn, vùng trồng sầu riêng, vùng trồng mít ruột đỏ và vùng trồng khoai lang.
Mãng cầu là cây ăn quả có diện tích lớn thứ 2 của xã Thới Hưng. Với 772 ha diện tích trồng mãng cầu, trong đó có trên 550 ha diện tích mãng cầu xiêm. Với quy mô diện tích mãng cầu xiêm lớn, xã đã vận động người dân thành lập Hợp tác xã Mãng cầu Thới Hưng. Khi mới thành lập, Hợp tác xã Mãng cầu Thới Hưng chỉ có 19 thành viên, với diện tích 39 ha mãng cầu xiêm. Nhận thấy tham gia mô hình kinh tế tập thế đem lại nhiều lợi ích, nên nhiều nông dân cũng tham gia hợp tác xã. Đến nay, Hợp tác xã Mãng cầu Thới Hưng có hơn 80 thành viên, diện tích mãng cầu tăng lên 100 ha.
Là vùng đất trồng mãng cầu xiêm lâu năm nhưng đã có giai đoạn, người trồng lao đao, phải đốn bỏ để chuyển sang trồng cây khác vì không có đầu ra. Nhưng hai năm gần đây, mãng cầu trồng được bao nhiêu là bán hết bấy nhiều và với giá bán luôn ở mức cao.
Ông Vũ Văn Hiến, Giám đốc Hợp tác xã mãng cầu Thới Hưng cho biết, sau khi thành lập hợp tác xã, mãng cầu được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp mã số vùng trồng vào năm 2020, có khả năng xuất khẩu. Vì thế, nhiều đơn vị đến thu mua mãng cầu về chế biến sản phẩm, đặc biệt là trà mãng cầu nên mãng cầu lúc nào cũng có giá, đầu ra ổn định tạo cho người dân nhiều phấn khởi. Mỗi năm, Hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 1.500 tấn mãng cầu xiêm.
Từ thế mạnh về cây ăn quả, nhiều sản phẩm OCOP được hình thành và khẳng định thương hiệu, chất lượng trên thị trường. Nhắc đến Thới Hưng là nhắc đến 3 sản phẩm nổi bật, đã được thành phố Cần Thơ xếp hạng OCOP 4 sao: trà mãng cầu Kim Nhiên, trà mãng cầu Cường Tím và rượu mãng cầu Thới Hưng.
Riêng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến nông sản Kim Nhiên hiện đang bao tiêu khoảng 50 ha diện tích mãng cầu xiêm của người trong xã. Sản phẩm trà mãng cầu được tiêu thụ thị trường nội địa và các nước như: Mỹ, Lào... Bình quân, mỗi tháng công ty này xuất khẩu khoảng 5 tấn trà mãng cầu (tương đương khoảng 50 tấn mãng cầu tươi).
Theo bà Nguyễn Kim Nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên, khi công ty mới thành lập vào năm 2015, mãng cầu xiêm tươi chỉ có giá khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg. Nhờ thị trường sử dụng trà mãng cầu tăng, thêm nhiều đơn vị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mãng cầu tươi nên giá mãng cầu xiêm tăng dần với giá bán hiện nay từ 25.000 - 40.000 đồng/kg, có thời điểm giá mãng cầu tăng 100.000 đồng/kg. Từ đó, giúp gia tăng thu nhập cho người trồng mãng cầu và không còn tình trạng người dân đốn bỏ diện tích mãng cầu do bị "rớt giá".
Lợi nhuận kinh tế từ các mô hình trồng cây ăn quả cao, gấp 2-3 lần so với trồng lúa, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, giúp địa phương phát triển về kinh tế, tăng thu nhập của người dân trên địa bàn. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 75,7 triệu đồng/người/năm (cao hơn quy định thu nhập bình quân đầu người đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu). So với năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã Thới Hưng tăng 31,4 triệu đồng/người/năm và so với năm 2020 tăng 20,5 triệu đồng/người/năm.
Đời sống người dân được cải thiện, xã không còn hộ nghèo, chỉ còn 35 hộ cận nghèo. Trạm Y tế xã được nâng cấp đạt chuẩn, được bố trí đầy đủ số lượng nhân viên, giúp công tác khám và điều trị bệnh cho nhân dân được đảm bảo. Tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt 96,07%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế dạt 95,07%.
Kinh tế phát triển, đời sống người dân khấm khá tạo động lực chung tay cùng nhà nước xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Nổi bật là nhiều tuyến đường kiểu mẫu đã được khánh thành, mỗi tuyến đường đều được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, trồng hoa và cây xanh toàn tuyến. Hiện tại có 8 tuyến đường kiểu mẫu được đưa vào sử dụng, 100% kinh phí lắp đặt hệ thống chiếu sáng đều được huy động trong nhân dân ước tính khoảng trên 800 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Thới Hưng - Võ Hữu Cảnh cho biết, từ năm 2020 đến nay, Thới Hưng đã huy động gần 219 tỷ đồng thực hiện nâng chất các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó, vốn ngân sách hơn 142 tỷ đồng; vốn tín dụng gần 70 tỷ đồng; huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 1,84 tỉ đồng. Bên cạnh đó, người dân còn đóng góp khoảng 3.560 ngày công lao động để xây cầu, dặm vá đường giao thông. Từ nguồn lực nói trên, diện mạo xã có nhiều đổi mới: tuyến đường trung tâm xã được nhựa hóa, 100% các tuyến đường trục ấp, liên ấp được xây dựng bê tông 4m, đường ngõ, xóm cứng hóa không còn lầy lội vào mùa mưa, giúp thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa.
Tiếp bước thành quả đạt được, ông Võ Hữu Cảnh, Chủ tịch UBND xã Thới Hưng cho biết, xã sẽ tiếp tục nâng chất xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thới Hưng sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động các hình thức tổ chức sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng chất các tiêu chí như giao thông, điện, thủy lợi, nước sạch, môi trường, các thiết chế văn hóa nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.