Năng động, dám nghĩ dám làm
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 11.797 doanh nghiệp, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2012. Trên địa bàn tỉnh có 519 hợp tác xã, hơn 47.100 hộ kinh doanh đang hoạt động. Phát huy lợi thế của địa phương, nhiều doanh nhân với tuổi trẻ khát khao đã sáng tạo, dám nghĩ dám làm, có ý chí vươn lên và nỗ lực khẳng định bản thân.
Anh Lê Văn Vương (sinh năm 1984), Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công vốn tốt nghiệp Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải 3 tại TP Hồ Chí Minh. Song với niềm đam mê cà phê, anh Vương đã rẽ hướng, xin làm việc tại một số công ty cà phê để tìm hiểu thị trường và quyết định sản xuất cà phê hữu cơ. Đến nay, sau 7 năm thành lập công ty, anh Vương không chỉ thành công ở dòng cà phê rang xay mà còn sáng tạo ra các sản phẩm làm từ cà phê như cà phê hòa tan sấy lạnh, rượu vang cà phê, trà hoa cà phê.
Anh Lê Văn Vương cho biết, xác định lương thực thực phẩm sạch quyết định sức khỏe người tiêu dùng, anh Vương chuyển từ sản xuất vô cơ sang sản xuất hữu cơ. Anh Vương chia sẻ, đi con đường riêng theo hướng mới, chặng đường ban đầu khởi nghiệp phải chấp nhận cô đơn. Dần dần, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong tỉnh, anh Vương sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, có thêm nhiều bạn đồng hành, sẻ chia.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương (sinh năm 1992), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Damaca Nguyên Phương cũng là điển hình “bỏ phố về rừng” và khởi nghiệp thành công trên chính quê hương Krông Năng với hạt mắc ca. Những năm đầu khởi nghiệp, Phương gặp không ít khó khăn, có lần thất bại, song với ý chí vươn lên và tinh thần không gục ngã, đến nay, Phương đã đưa các sản phẩm từ hạt mắc ca vươn ra thế giới, chinh phục thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp. Phương còn năng động đảm nhiệm nhiều vị trí như Bí thư Chi đoàn thôn, Chi hội trưởng Chi hội doanh nhân trẻ huyện Krông Năng.
Theo Thu Phương, sự đồng hành của tỉnh đã giúp cho sản phẩm của công ty được nhiều người biết đến và tăng doanh số. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, doanh nhân cần phải có nhiều kiến thức và năng lực lãnh đạo. Để có thể đón đầu thị trường, không bị thụ động trong kinh doanh, doanh nhân phải luôn học hỏi, tiếp thu và thay đổi linh hoạt, tối ưu hóa các chi phí phát sinh.
Sự phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk. Trong 9 tháng năm 2022, tỉnh có 1.086 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 25,99% so với cùng kỳ năm 2021. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì ở mức khá, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đóng góp khoảng 70% GRDP toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp tăng mạnh, góp phần nâng cao tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Giải pháp hỗ trợ từ tỉnh
Nhằm tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân, tỉnh Đắk Lắk thực hiện nhiều giải pháp như: cải cách thủ tục hành chính, hội nghị đối thoại doanh nghiệp, "Ngày thứ Năm doanh nghiệp", cà phê doanh nhân - doanh nghiệp 2 tuần/lần. Tỉnh Đắk Lắk thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ doanh nhân tiếp cận vốn tín dụng, tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực, mở rộng quy mô và hiệu quả hoạt động, đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân.
Tỉnh có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có chủ là người dân tộc thiểu số. Tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn thương mại điện tử, khảo sát và kết nối giao thương, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý. Hơn nữa, trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, tỉnh tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nhân. Nhờ có sự điều hành của các cấp, các ngành, nhận thức về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp được nâng lên và được trân trọng hơn.
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh phấn đấu có 15.000 doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025. Thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất và phát triển bền vững; rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; kịp thời tôn vinh, khen thưởng doanh nhân tiêu biểu. Tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với nhau để chung sức vươn ra thế giới.
Theo ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk, hiệp hội sẽ phát huy hơn nữa vai trò trong việc tư vấn, trợ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện chức năng cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước.
Để xây dựng đội ngũ doanh nhân mang tầm vóc Việt, sẵn sàng “vươn ra biển lớn” cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ công cuộc cải cách thể chế vươn đến chuẩn mực minh bạch và công bằng, coi trọng doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân; đội ngũ công chức phải thật sự tận tâm, coi thành công của doanh nghiệp là thành công của chính mình và cần kéo dài các chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp.
Thế hệ doanh nhân tỉnh Đắk Lắk thời 4.0 hội nhập đã và đang có điểm chung là tần tảo, bản lĩnh, giỏi giang, dám đương đầu và ham học hỏi. Những cống hiến của đội ngũ doanh nhân không chỉ ghi dấu ấn trong sự phát triển kinh tế mà còn ở các phương diện đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chung sức chống dịch COVID-19, đồng hành cùng em thơ đến trường và khắc phục hậu quả thiên tai.