Theo đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, tỉnh có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, tập trung nhiều tại thị xã Vĩnh Châu, huyện Châu Thành, huyện Long Phú và huyện Mỹ Tú.
Thời gian qua, cùng với nhiều chính sách quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh còn quan tâm việc xã hội hóa trong xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn trong vùng dân tộc Khmer, đảm bảo cho bà con dân tộc có điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã vận động xã hội hóa để thực hiện xây dựng gần 200 cây cầu ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng; qua đó, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng nông thôn ở Sóc Trăng, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh sinh hoạt, giao thương hàng hóa dễ dàng và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Phạm Tuân, Bí thư Huyện ủy Mỹ Tú cho biết, thời gian qua, bằng nhiều nguồn lực, địa phương đã chú trọng phát triển hạ tầng giao thông nông thôn của huyện nói chung và hạ tầng nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.
Tuy nhiên, ngân sách còn giới hạn nên địa phương đã đẩy mạnh công tác vận động các nguồn lực xã hội hóa bên ngoài để xây dựng cầu giao thông nông thôn. Việc vận động xây dựng đảm bảo công khai minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ về chuyên môn trong xây dựng của ngành chức năng.
Bí thư Huyện ủy Mỹ Tú cho biết thêm, từ năm 2022 đến nay toàn huyện đã vận động xây dựng được 56 cầu giao thông nông thôn từ nguồn xã hội hóa. Các cây cầu trong vùng đồng bào dân tộc được đầu tư xây dựng đã góp phần giúp cho đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, đời sống vật chất tinh thần ngày càng được nâng lên.