Khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy nhấn mạnh, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch với chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối” là một trong những sự kiện tiêu biểu của Tuần Văn hóa, Du lịch Hà Nam năm 2023. Đây là dịp để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển dịch vụ du lịch, những nét đặc sắc, hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, các điểm đến và sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đây cũng là dịp để du lịch Hà Nam đón nhận, lĩnh hội các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các nhà đầu tư nhằm đổi mới, phát triển các sản phẩm du lịch và ngành du lịch ngày càng chất lượng, an toàn, hấp dẫn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, mong muốn của khách du lịch. Với những tiềm năng, thế mạnh và hệ thống cơ sở lưu trú được quan tâm xây dựng, Hà Nam đã và đang được đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022, Hà Nam đón hơn 3 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 2.000 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm, tỉnh đón khoảng 3 triệu lượt khách; tổng thu du lịch đạt gần 2.400 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, bên cạnh chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ, Hà Nam là một trong những địa phương có nhiều chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển du lịch. Nhờ chính sách và quyết tâm của các cấp chính quyền, du lịch Hà Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất.
Ông Đoàn Văn Việt mong muốn địa phương sẽ tận dụng tốt cơ hội này để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các chính sách ưu đãi của tỉnh tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tranh thủ cơ hội thu hút các nguồn lực để phát triển ngành du lịch; cùng đó phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch mới, chất lượng, có giá trị gia tăng cao, mang bản sắc đặc trưng của Hà Nam. Từ đó, tỉnh mở rộng thị trường khách nội địa và quốc tế; tăng cường kết nối các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và các địa phương khác trong cả nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, từng bước đưa Hà Nam trở thành điểm đến hấp dẫn và chất lượng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Tham dự sự kiện, Công sứ, Phó Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam WatanabeShige chia sẻ, hiện có khoảng 100 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong môi trường đầu tư thuận lợi của Hà Nam. Hà Nam đã trở thành một trong những địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam và là một ví dụ thành công điển hình trong thu hút đầu tư của Nhật Bản nhờ vào việc thành lập bộ phận Japan desk và cải thiện môi trường đầu tư dựa trên 10 cam kết với các nhà đầu tư.
Ông WatanabeShige đề nghị tỉnh tiếp tục coi trọng 10 cam kết, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư trên quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp dựa theo các cam kết đó, duy trì và hoàn thiện hạ tầng, đảm bảo nguồn nhân lực. Thời gian tới, bên cạnh việc các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư và triển khai kinh doanh tại Hà Nam, địa diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam hi vọng tỉnh và các địa phương của Nhật Bản sẽ mở rộng giao lưu trong cả lĩnh vực du lịch, trên nền tảng mối quan hệ thân thiết giữa tỉnh Hà Nam và Nhật Bản.
Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi, chia sẻ, thảo luận về thu hút nguồn lực đầu tư tạo bước phát triển nhanh về hạ tầng du lịch, cơ sở, vật chất, các sản phẩm du lịch; giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch; các điểm đến và sản phẩm du lịch độc đáo, mở rộng liên kết phát triển du lịch trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường xây dựng các tour tuyến du lịch hấp dẫn, giới thiệu, quảng bá đến du khách trong nước và ngoài nước; áp dụng chuyển đổi số trong quảng bá các sản phẩm của tỉnh Hà Nam…
Tiếp thu các ý kiến thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy khẳng định, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp, trọng tâm là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển du lịch, sản phẩm du lịch mới, mang đặc trưng du lịch Hà Nam; tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ, kết nối và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh; tổ chức nghiên cứu thị trường, thu thập thông tin, xu hướng của khách du lịch.
Cùng với đó, tỉnh xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp từng giai đoạn, đối tượng khách, đặc biệt là các thị trường khách quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, quảng bá, phát triển lĩnh vực du lịch…