Ông Vũ Vinh Quang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết, từ năm 2019, Sở Công Thương đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường trực tuyến. Cụ thể, tỉnh đã phối hợp và tổ chức tham gia gần 20 hội nghị trực tuyến, hội nghị trực tuyến kết hợp trực tiếp với các điểm cầu trong nước và quốc tế.
Qua các hội nghị trực tuyến đã kết nối được gần 100 phiên giao thương trực tuyến, hỗ trợ trên 150 lượt doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại trực tuyến, mở rộng thị trường sản phẩm. Bên cạnh đó, việc tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế cũng được ngành tổ chức trên môi trường trực tuyến như Hội chợ Nhập khẩu Trung Quốc lần thứ 4 (CIIE 2021)....
Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh Yên Bái, Viettel Yên Bái tổ chức ký kết về việc hỗ trợ các doanh nghiệp Yên Bái tham gia thành viên và quản trị gian hàng trực tuyến trên sàn Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và sàn Voso.vn của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel. Nhiều sản phẩm đặc sản thế mạnh, các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh đã được đăng tải và hỗ trợ, hướng dẫn quản trị trên các gian hàng trực tuyến.
Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có trên 100 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán trên các sàn thương mại điện tử như gạo nếp tan Tú Lệ, chè xanh Suối Giàng, miến đao Giới Phiên, cá sấy Hồ Thác Bà, mật ong Mù Cang Chải, trà táo mèo và các sản phẩm từ quế như: tinh dầu quế, nước lau sàn, hương quế...
Chỉ tính riêng trong năm 2021, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có hàng nghìn đơn hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử; trong đó, 46/120 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn Potsmart.vn với trên 2.000 đơn hàng đạt doanh thu trên 400 triệu đồng; 72/120 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn Voso.vn cũng đã có gần 5.130 đơn hàng, doanh thu đạt 1,1 tỷ đồng.
Theo ông Đoàn Lê Khoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Yên Bái, việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử là một trong những giải pháp hữu hiệu để nông dân tiêu thụ sản phẩm.
So với phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến này không những mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp các miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá trong giai đoạn dịch bệnh và đảm bảo doanh số bán hàng. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các sản phẩm đạt chất lượng.
Thông qua việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường trực tuyến, bước đầu đã có hiệu quả đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Một số doanh nghiệp thông qua việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử và tham gia các hội nghị trực tuyến kết nối các điểm cầu nước ngoài đã kết nối với khách hàng và bán được sản phẩm.
Đơn cử như chè, quế, măng, đũa gỗ, bột đá, tinh bột sắn xuất khẩu sang các nước: Belarus, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….Ngoài ra, hỗ trợ các doanh nghiệp Yên Bái đưa được hàng chục sản phẩm nông, thủy sản vào tiêu thụ tại các siêu thị lớn như Big C, Vinmart, Hapro khu vực phía Bắc.
Điều này đã góp phần giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường khách hàng tiềm năng, đóng góp tích cực vào giá trị xuất khẩu của tỉnh Yên Bái.