Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (địa chỉ cdc. kcb. vn) cho thấy trong ngày đã có 4 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.614.823 trường hợp.
Hiện có 1 bệnh nhân đang thở ô xy qua mặt nạ; trong tuần không ghi nhận ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 người, chiếm 0,4% so với tổng số ca mắc.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 quốc gia, vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Trong ngày 13/3 có 12.505 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.518.153 liều. Trong đó, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.983.661 liều: Mũi 1 là 71.083.153 liều; Mũi 2 là .708.677 liều; mũi bổ sung là 14.531.371 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 52.005.634 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 17.654.826 liều.
Tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là 23.895.021 liều: Mũi 1 là 9.127.831 liều; mũi 2 là 8.957.353 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 5.809.837 liều.
Tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi là 18.639.471 liều: mũi 1 là 10.291.264 liều; mũi 2 là 8.348.207 liều.
Bộ Y tế đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trên cả nước về việc tăng cường rà soát, nhập dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19.
Theo văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương ký ban hành, Bộ Y tế cho biết căn cứ Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Đề án 06). Thời gian qua, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực triển khai và đạt được một số thành tích nhất định về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Theo báo cáo của một số địa phương, nguyên nhân của tình trạng nhiều mũi tiêm vaccine COVID-19 chưa được nhập kịp thời là do không có đủ thông tin các mũi tiêm từ lực lượng vũ trang, mũi tiêm cho phạm nhân, trung tâm cai nghiện, trung tâm bảo trợ xã hội... Hiện tại, ngành y tế địa phương không thể hồi cứu lại thông tin do đối tượng thay đổi nơi cư trú và khó xác minh lại thông tin để nhập bổ sung lên Hệ thống.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 16/11/2022 về triển khai Đề án 06 và để đảm bảo việc quản lý, sử dụng vaccine hiệu quả, đúng quy định, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo Tổ công tác Đề án 06, Sở Y tế và các đơn vị liên quan trên địa bản thực hiện một số nội dung.
Theo đó, các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan tại địa phương rà soát, tổng hợp tình trạng nhập dữ liệu, phối hợp và thống nhất số liệu mũi tiêm đã thực hiện và báo cáo từ các nguồn (báo cáo nhanh hàng ngày, báo cáo bằng văn bản, số liệu nhập trên Hệ thống) và nhập bổ sung các thông tin mũi tiêm còn thiếu lên hệ thống tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 (https://tiemchungcovid19.moh.gov.vn) tính đến ngày 31/01/2023.
Đối với các mũi tiêm mới, Bộ Y tế yêu cầu 100% các cơ sở tiêm chủng phải nhập dữ liệu đầy đủ, chính xác, hoàn thành ngay trong ngày trên hệ thống tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố giám sát, đôn đốc các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn quản lý tiếp tục cập nhật, "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và ký xác nhận "Hộ chiếu vaccine" theo hướng dẫn tại văn bản số 4549/BYT-CNTT của Bộ Y tế ngày 23/8/2022.
Bộ Y tế cũng đề nghị báo cáo tình hình triển khai rà soát, cập nhật dữ liệu tiêm chủng phòng COVID-19 gửi về Cục Công nghệ thông tin, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước ngày 15/3/2023 để Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.