Sự việc đáng tiếc này một lần nữa cảnh báo sự nguy hiểm đến từ chính ý thức chủ quan của người dân đối với việc phòng, chống bệnh dại.
Trước trường hợp này, từ năm 2016 - 2020, Hải Dương xảy ra 5 trường hợp người dân tử vong vì bệnh dại. Theo thông tin từ Sở Y tế Hải Dương, năm 2016, huyện Bình Giang có 1 trường hợp; năm 2017 có 1 trường hợp và năm 2018 có 2 trường hợp đều ở thành phố Chí Linh; năm 2020, huyện Kim Thành có 1 trường hợp.
Có một thực tế, ở khu vực nông thôn Hải Dương, tình trạng nuôi nhốt chó, mèo vẫn chưa được thực hiện nghiêm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong phòng, chống bệnh dại.
Theo cán bộ phụ trách Thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Chí Linh, những năm gần đây, ý thức của người dân trong nuôi chó, mèo an toàn đã có chuyển biến. Các hộ dân đã chú ý tiêm phòng dại cho chó, mèo, đặc biệt là những nhà nuôi chó cảnh, ra đường có rọ mõm cho chó. Tuy nhiên, tình trạng thả rông chó, mèo vẫn còn tồn tại.
Tổng đàn chó, mèo trên địa bàn các xã, phường tại thành phố Chí Linh ước tính 14.000 con. Cán bộ thú y thành phố Chí Linh cho biết, do đặc thù địa bàn rộng, nhiều đồi núi, địa hình phức tạp, trong khi lực lượng cán bộ thú y mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc nên công tác phòng, chống bệnh dại cũng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, có nơi, người dân chưa phối hợp tốt với cán bộ thú y trong triển khai tiêm phòng dại cho chó, mèo. Lãnh đạo một số xã phường chưa dành quan tâm đúng mức với công tác tiêm phòng chó dại.
Sự việc đáng tiếc về trường hợp tử vong do chó dại cắn vừa qua tại thành phố Chí Linh đã cho thấy cần quan tâm hơn đến việc phòng, chống bệnh dại, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Nâng cao tính chủ động phòng ngừa
Sau sự việc người dân tử vong vì chó dại cắn, Ủy ban nhân dân thành phố Chí Linh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thống kê số lượng chó, mèo, tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo thuộc diện phải tiêm phòng. Do lực lượng thú y viên mỏng nên một số xã, phường thuê người để phối hợp với cán bộ thú y triển khai tiêm phòng.
Các xã, phường tăng cường tuyên truyền về bệnh dại để nhân dân chủ động phòng, chống bệnh trên đàn chó, mèo, tránh lây nhiễm sang người; thực hiện nghiêm việc nuôi nhốt chó, mèo, không thả rông, không buôn bán, vận chuyển chó mèo ra ngoài địa phương, đặc biệt là những con bị ốm, chết và xử lý nghiêm các trường hợp chủ nuôi chống đối không tiêm vaccine dại.
Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương cho biết, Chi cục đã giám sát, chủ động lưu hành mầm bệnh dại trên động vật để cảnh báo cộng đồng; phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra dịch tễ với trường hợp tử vong tại Chí Linh để xác định ca bệnh dại và xác minh những người đã tiếp xúc với bệnh nhân.
Để tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo, cơ quan chăn nuôi và thú y tỉnh thường xuyên cập nhật chính xác số liệu về đàn chó, mèo nuôi, lượng vaccine phòng dại, đồng thời, tập huấn kỹ thuật phòng chống bệnh dại trên động vật; tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý triệt để ca bệnh dại trên động vật và hướng dẫn xử lý y tế kịp thời đối với các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn.
Đơn vị cũng tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại, xử phạt các chủ nuôi vi phạm quy định về phòng, chống bệnh dại; giám sát phát hiện các ca bệnh dại, phối hợp trong công tác chống dịch, điều tra dịch tễ khi phát sinh ca bệnh dại trên người…
Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Dương cho biết, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã triển khai tiêm phòng trên 46.700 liều vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo trong toàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại.
Các xã, phường, thị trấn thống kê số hộ nuôi chó, mèo; hướng dẫn và yêu cầu chủ hộ nuôi thực hiện nghiêm việc khai báo nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình và bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; thực hiện nguyên tắc "5 không" trong công tác phòng, chống bệnh dại động vật (không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại; không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó thả rông; không để chó cắn người; không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường).
Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho nhân dân biết về nguy cơ, tác hại của bệnh dại, dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại và các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Song song đó, nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo với cộng đồng; khuyến khích cộng đồng tham gia giám sát, phát hiện và báo cơ quan chức năng về các trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh dại để xử lý kịp thời, tránh xảy ra việc người bị chó chắn không đi điều trị dự phòng dẫn đến tử vong.
Huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp với ngành chăn nuôi và thú y tỉnh thực hiện tốt việc tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo đạt 80%; có biện pháp bắt giữ chó, mèo thả rông và tiêm vaccine phòng dại theo quy định.
Để bệnh dại không còn là mối lo, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao hiểu biết về bệnh dại, có ý thức chấp hành nghiêm quy định về nuôi chó, mèo...