Uganda, 1 trong 7 thành viên của EAC, đã báo cáo dịch Ebola bùng phát vào ngày 20/9 vừa qua, sau khi ghi nhận 1 trường hợp mắc chủng Sudan ở quận Mubende, thuộc miền Trung nước này.
Ban Thư ký EAC kêu gọi các nước thành viên tăng cường giám sát và kiểm tra trong phòng thí nghiệm, đặc biệt là ở các khu vực biên giới. Ban Thư ký EAC cũng đã kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm phù hợp, đồng thời tăng cường tuyên truyền về nguy cơ và nhận thức về Ebola.
Quyền trợ lý Tổng thư ký EAC về các lĩnh vực sản xuất và xã hội, Anthony Kafumbe, đã yêu cầu các nước thành viên xem xét triển khai các phòng thí nghiệm di động của EAC đến các khu vực bùng phát chiến lược và tại các đồn biên phòng khác nhau. Điều này sẽ tăng cường khả năng phát hiện các trường hợp nghi ngờ vì các phòng thí nghiệm di động này có đủ năng lực để xử lý các mầm bệnh.
Liên quan tình hình dịch tại Uganda, Bộ Y tế nước này cho biết 6 nhân viên y tế đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Ebola trong ngày 29/9 khi chăm sóc cho các bệnh nhân Ebola, nâng tổng số ca mắc lên con số 30, trong đó có 5 ca tử vong.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn bày tỏ lạc quan về khả năng ứng phó đợt dịch lần này của Uganda, đồng thời hỗ trợ các cơ quan y tế Uganda tiến hành điều tra và triển khai nhân sự tới khu vực bị ảnh hưởng.
Cộng đồng Đông Phi bao gồm 7 quốc gia: Burundi, Kenya, Rwanda, Nam Sudan, Tanzania, Cộng hòa Dân chủ Congo và Uganda.