Ngày 12/9, ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang, lượng người đến khám bệnh đau mắt đỏ khá đông. Chị Lê Thị Hồng Đào (xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang) đưa con nhỏ đi khám tại đây cho biết, con gái bị lây nhiễm từ anh trai. Hôm qua, chị đưa con trai đến khám mắt đỏ tại bệnh viện này. Hiện 2 con của chị đang được chăm sóc tại nhà theo đơn thuốc của bác sĩ.
Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang, tháng 8/2023, bệnh viện ghi nhận 1.472 ca mắc, trong đó, trẻ dưới 15 tuổi chiếm 411 ca. Từ ngày 1-10/9, bệnh viện tiếp nhận 825 ca, trong đó, có 456 trẻ dưới 15 tuổi, chiếm 55%. Theo nhận định của lãnh đạo bệnh viện, trong 2 tuần gần đây, tổng số trẻ em dưới 15 tuổi viêm kết mạc chiếm khoảng 50% trên tổng số ca khám về viêm kết mạc. Số ca mắc năm nay tăng gấp đôi so với cùng năm 2022, trong đó, ca mắc ở trẻ em dưới 15 tuổi tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nam Trung, Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang cho biết, thời gian gần đây, lượng bệnh nhân đến khám bệnh đau mắt đỏ ở bệnh viện tăng đột biến so với trước kia. Thời điểm tăng nhanh là từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 khi học sinh đến trường. Trong 2 tuần trở lại đây, không chỉ trẻ em mà người lớn đến khám viêm kết mạc tại bệnh viện tăng đáng kể.
Đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, em Ngô Cao Đức Trọng, học sinh Trường Trung học cơ sở Cao Bá Quát, thành phố Nha Trang cho biết, em bị lây bệnh đau mắt đỏ từ những bạn học của em. Em được gia đình đưa đi khám ở bệnh viện nhằm sớm điều trị khỏi bệnh để trở lại cuộc sống, sinh hoạt, học tập bình thường.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, tại Phòng khám mắt của bệnh viện, mỗi ngày, trung bình tiếp nhận từ 120-140 bệnh nhân đến khám, trong đó, có 10% là bệnh nhân bị đau mắt đỏ và con số ngày càng tăng lên. So với năm trước, tình hình bệnh nhân đau mắt đỏ năm nay tăng nhanh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang cho biết thêm, thời gian ủ bệnh từ 5-10 ngày, sau đó sẽ khởi phát bệnh. Trong quá trình khởi phát, bệnh nặng dần lên sau 5-7 ngày rồi giảm dần, sẽ kết thúc sau 10-12 ngày. Trong trường hợp như cộm, đau nhức mắt, nhìn mờ, cảm giác có dị vật trong mắt…bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Đặc biệt, không tự ý sử dụng đơn thuốc của một bệnh nhân khác để điều trị cho bản thân.
Trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố; Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố; các bệnh viện trong tỉnh về việc tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.
Ông Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, Trung tâm tập trung truyền thông nguyên nhân, đường lây, dấu hiệu bệnh và cách phòng bệnh cho người dân qua loa truyền thanh khu phố, xã, phường, thôn bản khu vực đang có ca bệnh, nơi có nguy cơ cao xảy ra bệnh dịch. Đa dạng hóa trong sử dụng hình thức truyền thông trực tiếp như thăm hộ gia đình, lồng ghép nói chuyện sức khỏe tại trường học, nhà trẻ, mẫu giáo…
Để chủ động ngăn chặn, phòng tránh lây lan và giảm thiểu biến chứng nguy hiểm của bệnh, Trung tâm đề nghị các đơn vị y tế trong tỉnh phối hợp với địa phương đẩy mạnh truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.
Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Đến nay, chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này.