Trong một tuyên bố, IOM cho biết các quỹ sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các hoạt động chuẩn bị và ứng phó cần thiết với dịch bệnh, cũng như các nỗ lực phối hợp quan trọng ở cấp độ quốc gia, cấp tỉnh và ở các cửa khẩu biên giới quan trọng.
Người đứng đầu IOM tại Guinea, Maximilian Diaz cho rằng “chúng ta đã chứng kiến tác hại mà hành động chậm trễ đối với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng có thể gây ra cho cộng đồng và xã hội nói chung. Chúng ta phải đứng về phía người dân Guinea, chúng ta phải hành động nhanh chóng”.
Tuyên bố của IOM cho biết “trong những năm gần đây, IOM đã thực hiện các biện pháp can thiệp liên quan đến Ebola đối với nhiều quốc gia, bao gồm Burundi, DRC, Guinea, Liberia, Rwanda, Senegal, Sierra Leone, Nam Sudan và Uganda để giảm thiểu lây nhiễm trong nước và xuyên biên giới”.
Trước đó, Văn phòng châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết bộ trưởng y tế của Guinea và các nước láng giềng hôm 3/3 đã đồng ý thiết lập một mặt trận thống nhất để chống lại đợt bùng phát Ebola mới nhất.