Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Long An Nguyễn Văn Hoàng cho biết, đến thời điểm hiện tại, ổ dịch tại bệnh viện đã ghi nhận 19 ca dương tính với SARS-CoV-2 đang chờ Bộ Y tế cấp mã số và 16 ca nghi ngờ. Thời điểm phong tỏa ngày 29/6, tổng số có 565 bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện, 463 bệnh nhân, toàn bộ nhân viên, bệnh nhân và người chăm sóc đã được lấy mẫu xét nghiệm PCR và đang chờ kết quả. Trong số các F0 có 6 nhân viên y tế và một nhân viên vệ sinh tại bệnh viện, còn lại là bệnh nhân và thân nhân. Bệnh viện tiếp tục thông tin các trường hợp liên quan xuống các địa phương để truy vết.
Liên quan đến ổ dịch có ảnh hưởng lớn là Bệnh viện Đa khoa Long An, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Long An yêu cầu các đơn vị liên quan cần rút kinh nghiệm trong việc kịp thời báo cáo và xử lý nhanh hơn nữa khi có tình huống mới xảy ra; nhanh chóng phối hợp, bổ sung, tăng cường lực lượng truy vết khi cần.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Long An Nguyễn Văn Út nhấn mạnh, cần quán triệt và chấn chỉnh trong công tác trao đổi, phối hợp thông tin với nhau nhanh, thường xuyên để kịp thời xử lý khi có tình huống mới xảy ra. Trước mắt, phong tỏa Bệnh viện Đa khoa Long An 3 ngày, dừng tiếp nhận bệnh nhân mới nhưng vẫn tiếp nhận cấp cứu khi có tình huống gấp, trong quá trình tiếp nhận và sơ cứu bảo đảm bảo hộ tốt, tránh lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào và ngược lại. Thống nhất các trường hợp F1 và F2 cách ly tại bệnh viện nhưng phải thiết lập vùng an toàn cho từng đối tượng F, phân vùng cho trường hợp F1 và F2 riêng. Lực lượng liên quan tiến hành khử trùng các khu vực trong và xung quanh bệnh viện. Sở Công Thương có kế hoạch phân bổ cung cấp thực phẩm cho bệnh viện. Các địa phương khi có thông báo của bệnh viện và CDC nhanh chóng truy vết nhằm hạn chế tối thiểu dịch lây lan. Bệnh viện cần bình tĩnh tập trung làm tốt việc của mình, xét nghiệm sàng lọc các trường hợp liên quan, chữa trị các bệnh nhân hiện tại, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp ra vào bệnh viện.
Đại biểu dự họp đã nghe ý kiến các địa phương về việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới. Đặc biệt là ở các huyện, thành có nhiều khu cụm công nghiệp là Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa, Bến Lức, thành phố Tân An.
Huyện Cần Giuộc đề xuất áp dụng Chỉ thị 15 tại 3 xã Phước Lý, Long Thượng, Long Hậu và một phần thị trấn Cần Giuộc. Lãnh đạo huyện cho biết, qua rà soát các trường hợp mắc COVID-19 tại địa phương đều xuất phát nguồn lây từ TP Hồ Chí Minh. Do địa phương giáp ranh Thành phố này, việc qua lại làm việc giao thương giữa hai bên là rất lớn, việc quản lý người tại địa phương dễ, nhưng khó khăn trong quản lý, kiểm soát công tác phòng dịch trong công nhân lao động.
Căn cứ diễn biến dịch và đề xuất kiến nghị của các địa phương, ông Nguyễn Văn Út giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa xem xét thực tế cho phù hợp và có quyết định cho thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể tại 3 xã của huyện Cần Giuộc, 4 xã của huyện Cần Đước, 5 xã của huyện Bến Lức, 9 xã, phường của thành phố Tân An và 8 xã, thị trấn của huyện Đức Hòa.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị các địa phương bình tĩnh, chưa cần thiết phải giãn cách trên diện rộng, chú trọng những xã, thị trấn có đông khu - cụm công nghiệp và các chợ truyền thống. Cùng với việc áp dụng Chỉ thị 15, các địa phương cần đặc biệt chú trọng kiểm soát tốt người về từ vùng dịch…