Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nam Định với 10 huyện, thành phố trên địa bàn về công tác phòng, chống dịch diễn ra chiều 2/3.
Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nam Định cho thấy, từ ngày 14/2 - 1/3, toàn tỉnh ghi nhận 29.945 ca mắc mới COVID-19; trong đó, 21.417 ca trong cộng đồng. Trung bình một ngày ghi nhận 1.996 ca mắc mới, gấp 1,6 lần so với tuần trước. Riêng trong ngày 2/3, toàn tỉnh ghi nhận 3.176 ca mắc mới với 2.214 ca tại cộng đồng - số ca mắc cao nhất từ khi có dịch tới nay. Tổng số ca mắc tích lũy trên địa bàn từ khi có dịch tới nay là 79.420 ca; trong đó, 56.9 ca tại cộng đồng, 22.482 ca ghi nhận trong khu cách ly, phong tỏa. Hiện có 46.762 ca đang điều trị, chủ yếu là tại nhà; 32.463 ca đã kết thúc điều trị; chuyển tuyến điều trị tại các bệnh viện Trung ương 105 ca.
Từ thực tế cho thấy, do ý thức chủ quan nên khi tự xét nghiệm sàng lọc có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 không ít người không thông báo cho cơ sở y tế mà tự mua thuốc điều trị. Một số F0 chưa tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài yêu cầu, chính quyền, cơ quan chức năng địa phương tăng cường quản lý, giám sát, hướng dẫn, tư vấn việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe, xử lý các tình huống đối với trường hợp mắc COVID-19 điều trị tại nhà. Cùng với đó, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn số điện thoại của các Trạm Y tế lưu động, Tổ hỗ trợ theo dõi người mắc COVID-19 điều trị tại nhà để người dân kịp thời liên lạc, tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất.
Các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm việc thu gom, xử lý xử lý chất thải y tế đối với F0 cách ly tại nhà, nơi lưu trú theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế; đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh tại nơi cách ly, điều trị F0 tại nhà.
UBND các huyện, thành phố nâng cao năng lực y tế cơ sở, có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Sở Y tế tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng, quản lý thị trường và các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết các loại thuốc, sinh phẩm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang bị phòng hộ, kit xét nghiệm COVID-19..., xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm các mặt hàng này trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, gom hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán bất hợp lý.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là khi số ca mắc là học sinh tăng đột biến thời gian gần đây, xét đề nghị của các huyện, thành phố, chiều cùng ngày, UBND tỉnh Nam Định đã ra thông báo đồng ý để các cơ sở giáo dục chuyển hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6; học sinh mầm non tạm dừng đến trường kể từ ngày 3/3 cho đến khi có thông báo mới. Các cấp học khác, căn cứ tình hình thực tế, áp dụng linh hoạt hình thức học trực tiếp hoặc trực tuyến nhằm đảm bảo nội dung chương trình năm học.