Phát hiện dấu ấn sinh học hỗ trợ đánh giá hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19

Một dấu ấn sinh học do protein tăng đột biến của virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mang lại có thể nắm giữ chìa khóa để xác minh hiệu quả của các loại vaccine ngừa căn bệnh này trong tương lai.

Chú thích ảnh
Virus SARS-CoV-2 (màu xanh) trên bề mặt các tế bào lấy từ mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tấn công toàn thế giới, một mục tiêu quan trọng trong cuộc đua tìm kiếm và điều chế vaccine - đó là tạo phản ứng kháng thể có khả năng vô hiệu hóa mạnh mẽ virus gây bệnh, có thể liên kết với protein tăng đột biến của virus và ngăn nó tiếp cận và "bám" vào tế bào của con người. 

Để hiểu rõ hơn về cách thức cơ thể thực hiện điều này một cách tự nhiên, nhóm nhà khoa học thuộc Viện Nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty có trụ sở ở Melbourne (Australia) đã nghiên cứu một số bệnh nhân mắc COVID-19 bình phục, đặc biệt là cách mà các tế bào bạch cầu lympho T (phá hủy các tế bào bị tổn thương trong cơ thể, đồng thời cảnh báo các bạch cầu khác) và tế bào lympho B (tạo ra kháng thể, đồng thời cảnh báo tế bào lympho T) trong hệ miễn dịch của họ phản ứng với protein tăng đột biến của virus SARS-CoV-2, vốn cho phép virus bám vào và xâm chiếm các tế bào. Họ đã tìm ra một dấu ấn sinh học tiềm năng có thể đánh giá tính hiệu quả của các vaccine phòng COVID-19.

Theo các nhà nghiên cứu, những người cho thấy phản ứng mạnh của kháng thể trong việc vô hiệu quá virus có sự phản ứng mạnh của tế bào lympho B. Điều bất ngờ nhất là các nhà nghiên cứu đã phát hiện một tập hợp của một loại tế bào T, gọi là tế bào T hỗ trợ (phối hợp với tế bào miễn dịch khác và tổ chức phản ứng miễn dịch), là một "yếu tố dự báo tuyệt vời của một phản ứng miễn dịch hiệu quả". 

Trao đổi với báo giới, bà Jennifer Juno, một trong các tác giả nghiên cứu, cho biết: "Trước đây, qua nghiên cứu về bệnh cúm, chúng tôi đã chứng minh các tế bào B đóng vai trò then chốt để tạo ra phản ứng miến dịch hiệu quả đối với căn bệnh này, và chúng tôi cũng biết rằng tế bào T hỗ trợ đặc biệt giúp các tế bào B tạo ra kháng thể. Giờ đây, chúng ta đã biết cách hệ miễn dịch phản ứng với protein tăng đột biến, và chúng ta đã có những dấu ấn sinh học về những gì tạo ra một phản ứng miễn dịch tốt hoặc kém trước COVID-19...".

Nhóm nghiên cứu hy vọng các thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 có thể sử dụng "các thước đo miễn dịch" mà họ mới phát hiện để đưa ra lựa chọn tốt nhất, giúp tạo kháng thể vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 hiệu quả nhất cho con người.

Phương Oanh (TTXVN)
Vaccine ngừa COVID-19 do Indonesia phát triển vượt qua 8 cuộc thử nghiệm
Vaccine ngừa COVID-19 do Indonesia phát triển vượt qua 8 cuộc thử nghiệm

Lực lượng đặc trách chống COVID-19 của Indonesia xác nhận vaccine ngừa COVID-19 do nước này phát triển đã vượt qua được 8 giai đoạn thử nghiệm và sẽ trải qua 7 cuộc kiểm tra khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN