Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khẩn trương rà soát, củng cố và thực hiện nghiêm các quy định về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử lý triệt để ổ dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin, UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành Y tế chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, phương tiện, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống và điều trị dịch bệnh trong mọi tình huống. Các sở, ngành, địa phương khu vực biên giới tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Chikungunya cho người dân, để mọi người dân hiểu rõ, tránh gây hoang mang lo sợ trong cộng đồng.
Dịch bệnh Chikungunya đang xảy ra tại một số nước châu Phi, châu Âu, châu Á, trong đó có nước bạn Campuchia.
Theo UBND tỉnh An Giang, vừa qua, tại ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú được Viện Pastuer Thành phố Hồ Chí Minh thông báo kết quả xét nghiệm hai ca dương tính với bệnh Chikungunya là 1 bé trai 5 tuổi và thiếu niên 13 tuổi. Hiện cả hai trường hợp dương tính với bệnh Chikungunya tại huyện An Phú đã được điều trị khỏi bệnh và đã trở về gia đình.
Bác sĩ Phan Vân Điền Phương, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết: Bệnh Chikungunya có triệu chứng như bệnh sốt xuất huyết, cũng có sốt cao đột ngột, đau cơ, nhức mình, nổi ban… làm cho người dân rất dễ hiểu lầm vì sốt xuất huyết. Tuy nhiên, bệnh Chikungunya so với sốt xuất huyết tỷ lệ tử vong rất thấp; sốt xuất huyết tỷ lệ tử vong từ 1 - 5%, với bệnh Chikungunya tỷ lệ chỉ có 1/1.000.
Theo bác sĩ Phan Vân Điền Phương, bệnh Chikungunya diễn biến tương đối nhẹ, ít khi cần nhập viện, bệnh thường tự khỏi, sau khi khỏi bệnh, thời gian miễn nhiễm là rất lâu. Tuy nhiên, người dân cần nâng cao ý thức trong phòng ngừa bệnh này để tránh lây lan ra diện rộng.