Phát biểu ngày 12/1 trong một cuộc họp báo đặc biệt ở Geneva (Thụy Sĩ), chuyên gia cấp cao của WHO này cho biết theo ước tính dựa trên phân tích nước thải, số ca mắc COVID-19 thực tế hiện nay cao hơn từ 2 đến 19 lần so với số trường hợp được báo cáo. Bà Maria van Kerkhove cũng cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng hậu COVID (còn gọi là "long-COVID") ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể con người.
Mặc dù số ca tử vong liên quan đến COVID-19 đã giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh điểm, nhưng hiện mỗi tháng vẫn có khoảng 10.000 ca tử vong do căn bệnh này tại 50 quốc gia trên thế giới. Bà Maria van Kerkhove bày tỏ lo ngại về sự tiến hóa của virus, với biến thể JN.1 của COVID-19 chiếm khoảng 57% số mẫu phân tích của WHO.
Theo Giám đốc Maria van Kerkhove, được xác định theo các tiêu chí cụ thể, gồm các triệu chứng như mệt mỏi nghiêm trọng, suy phổi, các vấn đề về thần kinh và suy tim kéo dài từ 4 đến 12 tháng hoặc lâu hơn sau giai đoạn cấp tính của bệnh, tình trạng hậu COVID là một vấn đề đáng lo ngại. Các ước tính cho thấy rằng cứ 10 ca nhiễm COVID-19 thì có 1 ca có thể dẫn đến tình trạng hậu COVID , bao gồm cả những ca nặng. Bà cho biết hiện chưa có phương pháp điều trị chứng hậu COVID vì đây là vấn đề quá mới.
Chuyên gia y tế cấp cao WHO cũng cảnh báo về sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm cúm ở Bắc bán cầu, với tỷ lệ dương tính với cúm ở mức khoảng 20 - 21% vào tuần thứ 51 của năm 2023. Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm chủng đồng thời cả cúm và COVID-19 để giảm thiểu gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Bà kêu gọi tiêm chủng nhắc lại nhiều hơn do tỷ lệ này ở mức thấp trên toàn cầu.
Tính đến cuối tháng 12/2023, các số liệu của WHO ghi nhận trên 7 triệu người đã tử vong COVID-19.