Nhóm các nhà khoa học được chào đón quay trở lại "Trái đất". Ảnh: AP |
Nghiên cứu nhằm khám phá các nhân tố con người khi du hành vũ trụ do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) tài trợ nói trên là chương trình kéo dài nhất kể từ sau khi Nga thực hiện một nghiên cứu tương tự trong suốt 520 ngày. Từ 28/8/2015 đến nay, nhóm 6 nhà khoa học - gồm một nhà sinh học không gian người Pháp, một nhà vật lý học người Đức, một phi công, một kiến trúc sư, một phóng viên và một nhà nghiên cứu địa chất đều mang quốc tịch Mỹ - đã sống trong một một khối cầu có đường kính 11 m, cao trên 7,3 m, không có nước sạch, thức ăn tươi và cũng không có không gian riêng tư.
Mỗi người chỉ có một chiếc võng ngủ nhỏ và bàn làm việc. Thực phẩm gồm có phô mai bột và cá hồi đóng hộp. Ngoài ra, họ còn phải mặc áo phi hành gia khi đi ra ngoài khối cầu và phải tìm cách tránh xung đột cá nhân. Với việc có thể sống sót phi thường như vậy, các thành viên trong nhóm tin tưởng rằng một nhiệm vụ đến Sao Hỏa tương tự quá trình mô phỏng lần này của họ cũng có thể sẽ thành công.
Ông Cyprien Verseux, một thành viên trong nhóm nhận định, trong tương lai gần, nhiệm vụ đến Sao Hỏa có thể trở thành hiện thực, đồng thời những khó khăn về mặt tâm lý và công nghệ cũng có thể vượt qua được.
Trong khi đó, một thành viên khác trong nhóm đánh giá nghiên cứu nói trên là một cơ sở quan trọng giúp cho quá trình chọn lựa phi hành đoàn, tìm hiểu cách con người thực sự làm việc trong những nhiệm vụ khác nhau, cùng các yếu tố du hành không gian, hay bất kỳ điều gì mà các nhà khoa học đang muốn giải đáp.
Với công nghệ hiện nay của NASA, một người máy (robot) có thể được đưa tới Sao Hỏa để thực hiện sứ mệnh thăm dò không gian trong vòng 8 tháng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các phi hành gia có thể thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian từ 1-3 năm.