Theo đó, Apple cho biết toàn bộ 100% nguyên liệu đất hiếm sử dụng trong các nam châm của sản phẩm điện thoại thông minh iPhone 13 là nguyên liệu tái chế, trong khi các mối hàn trên bảng mạch logic chính cũng được làm từ thiếc tái chế 100%. Đáng chú ý, lần đầu tiên một sản phẩm iPhone của Apple có 100% nguyên liệu thiếc tái chế trong mối hàn của bộ phận pin. Ngoài ra, các thế hệ sản phẩm mới cũng sử dụng vàng tái chế 100% trên lớp mạ của bảng mạch logic chính và dây dẫn trong camera trước và camera sau.
Đối với thế hệ iPad mini mới, 100% nguyên liệu nhôm được sử dụng có thể tái chế. Theo Apple, sự thay đổi này đánh dấu một cột mốc quan trọng khi mà tất cả các mẫu máy trong dòng iPad hiện nay của hãng đều có vỏ nhôm tái chế 100%. Bên cạnh đó, iPad cũng có 100% nguyên liệu thiếc tái chế trong mối hàn của bảng mạch logic chính và 100% nguyên liệu đất hiếm tái chế trong các nam châm.
Trong khi đó, đồng hồ thông minh Apple Watch Series 7 sử dụng nhiều nguyên liệu tái chế hơn bất kỳ sản phẩm Apple Watch ra mắt trước đó. Cụ thể, nguyên liệu đất hiếm tái chế 100% trong tất cả các nam châm và gần 100% vật liệu vonfram tái chế trong toàn bộ sản phẩm.
Apple cho biết bao bì mới của hãng cũng loại bỏ lớp bọc nhựa bên ngoài, giúp giảm thiểu 600 tấn nhựa và đưa "Trái táo cắn dở" đến gần hơn với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn nhựa khỏi tất cả các bao bì vào năm 2025.
Apple đặt mục tiêu đến năm 2030 trung hòa carbon và không gây tác động đến khí hậu trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, trong đó có chuỗi cung ứng sản xuất. Mục tiêu này đồng nghĩa tất cả thiết bị của Apple được bán ra, từ khâu sản xuất linh kiện, lắp ráp, vận chuyển, tiêu thụ, sạc pin, cũng như tất cả quá trình tái chế và thu hồi vật liệu, sẽ là trung hòa carbon 100%.
Tháng 3 năm nay, Apple thông báo hơn 110 đối tác sản xuất của hãng trên khắp thế giới đang chuyển đổi sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho hoạt động sản xuất các sản phẩm của Apple.