Ngày 14/2 tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về chủ đề “Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam” với sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin – truyền thông. Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, thị trường viễn thông trong những năm qua đã có sự bùng nổ và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Các dịch vụ viễn thông đã được định nghĩa lại từ xa xỉ đến bình dân. Tuy chất lượng dịch vụ viễn thông đã từng bước được nâng lên, nhưng nhiều nơi, nhiều lúc vẫn chưa làm hài lòng khách hàng. Nhiều doanh nghiệp viễn thông đang có nguy cơ quay lại độc quyền.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Thị trường viễn thông đã có cạnh tranh nhưng khoảng 95% thị phần vẫn thuộc các doanh nghiệp nhà nước sở hữu, việc tham gia của các thành phần kinh tế khác còn hạn chế. Vì vậy, để phát triển bền vững hơn, thị trường viễn thông Việt Nam cần tái cấu trúc. Ông Phạm Hồng Hải chia sẻ, trong Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt, cũng đã đưa ra mục tiêu phát triển thị trường viễn thông cạnh tranh, những dịch vụ quan trọng như di động, cố định, internet phải có ít nhất 3 doanh nghiệp có thị phần tương đồng.
Quy hoạch này nêu rõ phải xây dựng được các tập đoàn viễn thông mạnh để hướng ra nước ngoài. Đây được xem là mục tiêu của tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam. Trong đó, việc tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đóng vai trò then chốt.
Theo Đề án tái cơ cấu VNPT mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ, dự kiến sẽ tách MobiFone ra khỏi VNPT và thành lập Tổng Công ty Thông tin di động. Đây sẽ là Tổng Công ty cung cấp đa dịch vụ, trong đó có dịch vụ thông tin di động. Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc tách MobiFone ra khỏi VNPT là để đảm bảo có doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh với VNPT và Viettel, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa MobiFone.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia kinh tế và chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin – viễn thông đều thống nhất cho rằng, sự chuyển dịch của thị trường viễn thông Việt Nam trong những năm gần đây khá “ì ạch”, vì vậy việc tái cấu trúc là điều bắt buộc và có ý nghĩa sống còn của ngành viễn thông Việt Nam trong dài hạn.
Tái cấu trúc không chỉ thực hiện đối với riêng Tập đoàn VNPT mà cần được tiến hành ở tất cả các doanh nghiệp viễn thông để thúc đẩy phát triển. Đối với Đề án tái cơ cấu VNPT, các chuyên gia cho rằng, việc tách MobiFone ra khỏi Tập đoàn là phương án tối ưu.
Vì MobiFone được đánh giá đang sở hữu một thương hiệu khá mạnh, hoạt động tương đối độc lập, khi tách ra vẫn đảm bảo Tập đoàn VNPT có bức tranh tài chính lành mạnh, đồng thời MobiFone vẫn tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Việt Hà