Chuyên gia LHQ kêu gọi ngừng bán công nghệ giám sát bí mật thu thập dữ liệu cá nhân

Ngày 12/8, các chuyên gia của Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi các nước ngừng hoạt động mua bán công nghệ giám sát trên toàn thế giới cho đến khi các quy định bảo vệ quyền của con người liên quan tới sản phẩm này ra đời và có hiệu lực.

Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi một cuộc điều tra chung do các báo The Washington Post (Mỹ), The Guardian (Anh) và Le Monde (Pháp) thực hiện cùng với nhiều hãng truyền thông khác tháng trước cho thấy một vài chính phủ đã sử dụng phần mềm Pegasus trên điện thoại do công ty tư nhân NSO của Israel phát triển để tiến hành do thám các phóng viên và chính trị gia. Phần mềm này có khả năng chuyển mạch trên một camera hoặc microphone của điện thoại và thu thập dữ liệu. 

Trong một tuyên bố, các chuyên gia về nhân quyền của LHQ nhấn mạnh việc cho phép bán các công nghệ do thám, theo dõi là rất nguy hiểm và vô trách nhiệm. Các chuyên gia kêu gọi cộng đồng quốc tế đề ra quy định chặt chẽ nhằm ngăn chặn, giảm thiểu những tác động tiêu cực của công nghệ giám sát đối với quyền con người. Trong khi chờ đợi các quy định này được đề ra, các nước cần tạm ngừng hoạt động buôn bán và chuyển giao công nghệ giám sát.

Trong cuộc điều tra của các báo trên, vụ rò rỉ dữ liệu có liên quan đến hơn 50.000 số điện thoại di động được cho là thuộc diện đối tượng được các khách hàng của NSO quan tâm từ năm 2016. Các khách hàng của NSO tập trung ở 10 quốc gia gồm Azerbaijan, Bahrain, Hungary, Ấn Độ, Kazakhstan, Mexico, Maroc, Rwanda, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), trong đó có số điện thoại di động của nhiều nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ, thành viên của các hoàng gia Arab, nhà ngoại giao, chính trị gia, giám đốc điều hành các công ty, các nhà báo của nhiều tổ chức truyền thông trên thế giới như AFP, Wall Street Journal, CNN, New York Times, Al-Jazeera, France 24, AP, Le Monde, Bloomberg, the Economist, Reuters...

Trong khi đó, NSO - công ty phát triển phần mềm do thám hàng đầu ở Israel - khẳng định Pegasus được sử dụng để phòng ngừa tội phạm và chống khủng bố. NSO cho biết đã xuất khẩu phần mềm Pegasus tới 45 quốc gia.

Bộ Quốc phòng Israel đã thành lập một uỷ ban xem xét hoạt động kinh doanh của NSO, trong đó có tiến trình liên quan tới cấp phép xuất khẩu công nghệ giám sát.

Minh Châu  (TTXVN)
Hungary điều tra các cáo buộc sử dụng phần mềm theo dõi Pegasus 
Hungary điều tra các cáo buộc sử dụng phần mềm theo dõi Pegasus 

Ngày 22/7, các công tố viên Hungary thông báo đã mở cuộc điều tra về những cáo buộc cho rằng chính phủ nước này sử dụng phần mềm theo dõi Pegasus, do công ty NSO của Israel phát triển, nhằm vào hàng trăm số điện thoại, trong đó có nhiều nhà báo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN