Hãng tin Kyodo dẫn bản dự thảo nói trên cho biết G20 sẽ tiếp tục hợp tác để xây dựng một hệ thống thuế quốc tế hiện đại, bền vững và công bằng trên toàn cầu, cũng như hoan nghênh sự hợp tác quốc tế nhằm phát triển các chính sách thuế hỗ trợ tăng trưởng.
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 sẽ nhóm họp trong hai ngày 8-9/6 tại thành phố Fukuoka, Nhật Bản, trước khi Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào ngày 28-29/6 tại Osaka. Tại cuộc họp lần này, trước những ý kiến cho rằng các tập đoàn công nghệ lớn, trong đó có Apple Inc. và Amazon.com Inc. đang không phải trả đúng phần tiền thuế của mình, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 sẽ thảo luận cách thức để xây dựng những quy định thuế toàn cầu dựa vào nơi các tập đoàn này tạo ra lợi nhuận hơn là nơi họ đặt trụ sở chính.
Theo bản dự thảo tuyên bố chung, G20 hoan nghênh những tiến triển gần đây trong việc giải quyết các thách thức thuế phát sinh từ xu hướng số hóa và tán thành với những đề xuất gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về các quy định thuế trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho biết ông sẽ hối thúc các nền kinh tế G20 đưa ra mức thuế toàn cầu đánh vào doanh thu của các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Facebook và Amazon tại cuộc họp nói trên.
Bộ trưởng Hammond đã bày tỏ mong muốn có một mức thuế toàn cầu như vậy vào năm 2018, nhưng cho biết nước Anh sẵn sàng tự hành động bằng cách đánh thuế các tập đoàn có lãi ở mức 2% doanh thu họ thu được từ người dùng ở “xứ sở sương mù” từ tháng 4/2020. Biện pháp này sẽ giúp London thu về hơn 400 triệu bảng Anh (512 triệu USD) mỗi năm.
Các tập đoàn công nghệ lớn ho biết họ vẫn đang tuân thủ các quy định thuế, nhưng chỉ phải đóng rất ít tiền thuế ở châu Âu bằng cách chuyển doanh thu qua các nước như Ireland và Luxembourg vốn là những nơi có cơ chế thuế lỏng lẻo.