Kế hoạch mới sẽ giảm bớt tham vọng của sáng kiến tiền kỹ thuật số đưa ra hồi năm ngoái, được mô tả là công cụ cho toàn bộ ngành tài chính song bị các lãnh đạo ngành tài chính tiền tệ toàn cầu chỉ trích. Theo kế hoạch mới, các loại tiền điện tử riêng rẽ sẽ được tạo ra và gắn với các loại đồng tiền thật như đồng USD của Mỹ và đồng euro của Liên minh châu Âu.
Hiệp hội trên, gồm Facebook và nhiều đối tác, cho biết họ đã thay đổi cách sử dụng tiền tệ của cá nhân sau khi tiếp thu các bình luận cũng như những lời than phiền đối với đề xuất ban đầu. Sách Trắng của hiệp hội nêu rõ: "Mối lo ngại chính là khả năng 'đồng Libra đa năng' can dự vào chủ quyền tiền tệ và chính sách tiền tệ (của các nước). Vì vậy, chúng tôi sẽ mở rộng mạng lưới Libra bằng cách tạo ra các đồng tiền điện tử đơn năng bên cạnh đồng Libra đa năng".
Người phát ngôn Hiệp hội Libra cho biết hiệp hội đang chờ được Chính phủ Thụy Sĩ cho phép thanh toán bằng tiền kỹ thuật số và có kế hoạch đăng ký tại Mỹ như một loại hình kinh doanh dịch vụ tiền tệ.
Libra, một dự án nổi tiếng do Tập đoàn Facebook khởi xướng, dự định khởi động trong năm nay nhưng vấp phải nhiều chỉ trích của những cơ quan tài chính có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Giới chức ngân hàng trung ương và nhiều quan chức khác lo ngại một "cú giáng" đối với chủ quyền về tiền tệ của các nước khi một đồng Libra mới được gắn vào giỏ tiền tệ. Năm 2019, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã phản ứng khá gay gắt: "Đồng Libra không được hoan nghênh trên lãnh thổ châu Âu".
Tuy nhiên, Facebook mô tả sáng kiến tiền tệ này là một cách để giảm chi phí cho mọi người trên khắp thế giới, giảm các khoản phí chuyển tiền xuyên biên giới vốn rất tốn kém. Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg khẳng định đồng Libra có thể gia tăng "vai trò lãnh đạo tài chính" của Mỹ trong khi cung cấp "phương thức gửi và nhận tiền an toàn, với chi phí thấp và hiệu quả cho toàn thế giới".