Theo ông Chu Thế Cường - Giám đốc Phòng thí nghiệm Chiết Giang, chiếc máy tính mang tên Darwin Mouse này chứa 792 chip Darwin thế hệ thứ hai do Đại học Chiết Giang phát triển, hỗ trợ 120 triệu tế bào thần kinh và gần 100 tỷ khớp thần kinh nhân tạo, tương đương với số lượng tế bào thần kinh trong não của một con chuột. Mức tiêu thụ điện năng trung bình của máy tính này chỉ ở mức 350-500 watt.
Nhóm nghiên cứu cũng phát triển một hệ điều hành được thiết kế đặc biệt cho các máy tính cấu tạo giống não bộ, được đặt tên là Darwin OS. Hệ điều hành Darwin OS giúp quản lý hiệu quả các tài nguyên phần cứng, đồng thời hỗ trợ các hoạt động và ứng dụng của máy tính giống não. Theo các nhà nghiên cứu, việc tính toán giống não bộ là việc sử dụng phần cứng và phần mềm để mô phỏng cấu trúc và cơ chế hoạt động của hệ thống dây thần kinh trong não và xây dựng một mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mới. Công trình kiến trúc máy tính sáng tạo này được coi là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết những vấn đề phức tạp liên quan đến tính toán trong các lĩnh vực, chẳng hạn như AI.
Theo các nhà nghiên cứu, loại máy tính có cấu tạo giống não bộ này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ thông minh khác nhau, chẳng hạn như cho phép nhiều robot phối hợp trong các hoạt động cứu hộ và phòng chống lũ lụt, hay những công việc đòi hỏi xử lý cùng lúc nhiều thao tác như nhận diện giọng nói, phát hiện mục tiêu và thiết lập lộ trình. Giới khoa học cũng dùng máy tính để mô phỏng nhiều khu vực khác nhau của não bộ, tạo triển vọng ứng dụng rộng rãi hơn trong 3 lĩnh vực chính là AI, khoa học não bộ và các bệnh về não.