Máy bay của Hãng hàng không Đức Air Berlin tại sân bay Duesseldorf ở Duesseldorf, Đức ngày 16/8. Ảnh: EPA/ TTXVN |
Phát biểu trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức, Giám đốc điều hành của Air Berlin, Thomas Winkelmann cho biết, ngoài Lufthansa, hãng này đang nhận được sự quan tâm của hai hãng hàng không khác và các cuộc đàm phán đã diễn ra trong nhiều tuần.
Ông Winkelmann khẳng định, các đối tác mà hãng hàng không lớn thứ hai của Đức đang tiến hành đàm phán là các công ty hàng không có uy tín lớn, có đủ năng lực về tài chính để đảm bảo một "tương lai an toàn" cho Air Berlin. Tuy nhiên, ông không tiết lộ danh tính của các công ty trên.
Trước đó ngày 15/8, Air Berlin đã đệ đơn xin phá sản lên tòa án Berlin-Charlottenburg do làm ăn thua lỗ. Việc tuyên bố phá sản này sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hàng không ở Đức, nhất là đối với những hành khách đã đặt vé máy bay của hãng này. Chính vì vậy, Chính phủ Đức dự kiến sẽ cho Air Berlin vay gói tín dụng 150 triệu euro để duy trì các chuyến bay theo kế hoạch đến cuối tháng 11/2017. Việc Air Berlin phá sản nhận được sự quan tâm của Lufthansa cũng như các đối thủ cạnh tranh khác như EasyJet, Tuifly và Thomas-Cook-Tochter Condor.
Trong một phát biểu trên tờ Bild của Đức, Bộ trưởng Giao thông vận tải Alexander Dobrindt cho rằng, việc giải quyết các hãng hàng không vỡ nợ sẽ là một cơ hội tốt cho ngành hàng không Đức bởi chính phủ nước này có thể cải tổ và có chiến lược "củng cố vị trí ngành công nghiệp hàng không Đức tại thị trường quốc tế".
Về việc đảm bảo việc làm cho nhân viên, phát biểu trên tờ Die Zeit, ông Winkelmann bày tỏ sự tự tin về khả năng đảm bảo việc làm cho khoảng 8.600 nhân viên dù Air Berlin có bị phá sản.