Khách hàng giao dịch tại Hội sở Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Bắt đầu từ hôm nay (4/1), Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày. Theo đó, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày là cơ sở để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của đồng Việt Nam với đô la Mỹ. Vậy với chính sách mới này, thị trường ngoại tệ sẽ diễn biến ra sao, các doanh nghiệp sẽ tiếp nhận như thế nào là những vấn đề đang được đặt ra.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Nguồn vốn và tiền tệ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định: Trước đây tỷ giá bình quân liên ngân hàng được duy trì trong khoảng thời gian một hoặc vài tháng tùy vào mức độ tích tụ của thị trường. Trên cơ sở diễn biến tích tụ của thị trường trong khoảng thời gian đủ dài thì Ngân hàng Nhà nước mới xem xét việc điều chỉnh và mức độ điều chỉnh có thể rất lớn, 1% hoặc trên 1%.
Nhưng với công thức hiện tại, tỷ giá có thể được điều chỉnh hàng ngày và căn cứ vào diễn biến của thế giới thì mức điều chỉnh có thể cao hoặc thấp nhưng không có những biến động quá mạnh lên tới vài % như trước đây nữa.
“Tôi cho rằng, phản ứng của thị trường hay của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nhanh và hiệu quả hơn”, ông Quỳnh nói.
Như vậy, với cách làm cũ, Ngân hàng Nhà nước công bố biên độ tỷ giá giao dịch trong vòng vài tháng hoặc 1 năm, qua đó các doanh nghiệp có nhu cầu về ngoại tệ có thể căn cứ vào đó hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh của họ. Nhưng hiện nay không có sự công bố đó nữa, vấn đề đặt ra là liệu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có chủ động được trong việc hoạch định phương án sản xuất kinh doanh?
Về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho rằng, với diễn biến của thị trường quốc tế như thời điểm hiện nay, việc điều chỉnh sang chính sách mới là phù hợp với thị trường đang bước vào giai đoạn có sự giằng co và điều chỉnh có nhiều biến động bất thường xảy ra. Ngân hàng Nhà nước công bố cơ chế điều hành tỷ giá mới thì cũng đồng thời cung cấp sản phẩm mua bán kỳ hạn thực hiện trực tiếp giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại trong thời gian tới. Với việc này thì Ngân hàng Nhà nước đã giúp các ngân hàng thương mại có công cụ cũng như có sản phẩm để chủ động trong việc cung ứng và phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp.
Khẳng định đây là việc để đảm bảo tính ổn định của tỷ giá, ông Nguyễn Văn Hân, Trưởng phòng Tài chính kế toán Công ty ô tô Cửu Long TMT cũng cho rằng, theo phương thức mới này, doanh nghiệp cần phải đề cao và chú trọng việc theo dõi diễn biến từng ngày. Trên cơ sở đó, đưa ra phương án mua kỳ hạn và dùng sản phẩm phái sinh nào cho phù hợp.
Bên cạnh đó, khi tỷ giá biến động như thế này, doanh nghiệp phải dự báo được diễn biến của thị trường và xác định được khoản chi phí để đưa ra giá thành sản phẩm của mình, đồng thời kiểm soát tốt để đảm bảo giá bán và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Ông Hân cũng kiến nghị, doanh nghiệp luôn muốn ổn định tỷ giá để có kiểm soát chi phí và đảm bảo hoạt động kinh doanh, cho nên khi tỷ giá biến động thì chi phí doanh nghiệp bỏ ra phải tăng lên, vì thế doanh nghiệp rất muốn tỷ giá cố định. Do vậy phải có các phương pháp phái sinh để ổn định.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh cũng phân tích, đối với doanh nghiệp, có thể phải đối mặt với vấn đề cung cầu của sản phẩm, các rủi ro về vận hành, pháp lý, trong rủi ro về thị trường có bao gồm cả lãi suất và tỷ giá thì những biến động đó là mang tính khách quan mà các doanh nghiệp khi đã tham gia kinh doanh đều cần phải có phương pháp quản trị.
Đấy chính là lý do vì sao ở các thị trường quốc tế, các thị trường tài chính phức tạp và phát triển thì thay vì cố định tỷ giá họ sẽ đưa ra sản phẩm ở thị trường tài chính để giúp cho các doanh nghiệp có thể chủ động sử dụng hiệu quả các sản phẩm đấy với các chiến lược kinh doanh khác nhau với các kỳ vọng khác nhau trên thị trường.
Việc Ngân hàng Nhà nước triển khai song song với việc điều hành cơ chế linh hoạt theo thị trường thì cùng với đó là đưa ra các sản phẩm giúp doanh nghiệp có thể chủ động và tính toán thực thi các chiến lược kinh doanh của mình phù hợp với tỷ giá.
“Tôi cho rằng nó rất phù hợp và hướng tới những phương thức quản trị không chỉ của Ngân hàng Nhà nước mà giúp các doanh nghiệp hình thành văn hóa kinh doanh và những kỹ năng, phương thức kinh doanh phù hợp hơn với thông lệ và chuẩn mực của thị trường quốc tế”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh nói.
“Có nhiều tổ chức và nhiều nghiên cứu đánh giá rằng sắp tới TPP thậm chí còn đem lại lợi thế cho Việt Nam cao hơn cả WTO. Vì vậy, việc chúng ta triển khai tốt, tận dụng chính sách hoặc lợi thế của việc tham gia TPP và FTA này, không loại trừ nó cũng tạo ra khả năng là các dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam khá mạnh. Và để đón nhận các cơ hội của TPP và FTA đem lại, cũng giúp tạo ra dư địa để Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra mức điều chỉnh tỷ giá USD/VND ở mức độ hợp lý”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh nhấn mạnh thêm.