(Tin tức) - Xung quanh khoản nợ 86.000 tỷ đồng của Vinashin hiện nay, dư luận đặt ra một số câu hỏi. Rằng, vì sao Vinashin lại mắc số nợ khổng lồ đến thế; số tiền 86.000 tỷ đồng hiện nay ở đâu; và rằng, số tiền nợ đó sẽ được trả như thế nào, ai trả?
Chúng tôi đem các câu hỏi này chuyển đến những người của Vinashin, trong đó có những người lãnh đạo tập đoàn, lãnh đạo công ty thành viên và cả những người thợ để tìm ra câu trả lời.
Tổng Giám đốc Vinashin Trương Văn Tuyến kiểm tra Nhà máy điện diesel Cái Lân với các thiết bị cũ kém chất lượng, khiến nhà máy càng sản xuất càng lỗ và phải ngừng hoạt động. Ảnh: Ngọc Tú |
Tổng Giám đốc Tổng công ty tàu thủy Nam Triệu Nguyễn Văn Ngọc, nói: Nếu đặt vấn đề về khoản nợ hiện nay của Vinashin thì nên nhìn đúng bản chất của sự việc. Ngành đóng và sửa chữa tàu biển đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và phụ thuộc rất lớn vào thị trường thế giới. Một khi kinh tế thế giới suy thoái thì ngành vận tải viễn dương bị đình đốn. Và hệ quả là các thỏa thuận đóng tàu của Vinashin bị các chủ tàu hủy bỏ.
Theo số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải, các chủ tàu đã hủy hợp đồng và các thỏa thuận đóng tàu trị giá hơn 8 tỷ USD, riêng trong năm 2010 số hợp đồng có nguy cơ bị hủy lên tới trên 700 triệu USD, tổng số tiền phải hoàn trả cho chủ tàu lên tới 273 triệu USD. Mặc dù vậy, nguyên nhân dẫn đến con số nợ 86.000 tỷ đồng chủ yếu vẫn do yếu tố chủ quan, cụ thể là vai trò của Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Phạm Thanh Bình cùng những người có trách nhiệm khác. Trong đó thể hiện rõ nhất là năng lực quản trị yếu kém của họ cộng với hành vi cố ý làm trái pháp luật và qui định, đã gây ra những "vòng xoáy" cho con tàu Vinashin.
Những sai lầm có thể làm phá sản cả một tập đoàn kinh tế mạnh là bắt đầu từ dự báo không chính xác, chủ quan, dẫn đến nóng vội trong đầu tư, khiến cho các dự án không hiệu quả. Phần lớn các dự án đầu tư của Vinashin đều dàn trải, vượt khả năng cân đối tài chính nên nhiều dự án chỉ được phân bổ chưa đến 50% vốn đầu tư làm cho các dự án này dở dang nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng. Ví dụ như dự án Sông Giá đầu tư để đóng tàu vận tải ô tô và tàu 80.000 tấn, dự kiến đầu tư 5.000 tỷ đồng nhưng mới đầu tư vài trăm tỷ chưa thấm tháp gì thì phải dừng lại do thiếu vốn. Với cách đầu tư như vậy, tình hình tài chính càng thêm nặng nề, buộc Vinashin phải vay nợ mới trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn, thậm chí lấy vốn lưu động để đầu tư là những việc làm sai lầm trong hoạt động đầu tư. Hậu quả là số nợ tăng lên hàng ngày cùng với việc kinh doanh thua lỗ đã khiến Vinashin đến tháng 6/2010 mắc nợ 86.000 tỷ đồng. Trong bài viết trước chúng tôi dẫn chứng về dự án thép Cái Lân với các sai phạm điển hình làm cho công trình không quyết toán, nghiệm thu được, gây ra một sự lãng phí vô cùng lớn. Với dự án này người ta còn thấy một kiểu đầu tư không bài bản, vội vàng, tự mình làm khó mình khi chỉ sản xuất một mặt hàng duy nhất là thép đóng tàu thủy, gây ra rủi ro rất lớn.
Nhìn lại các dự án kiểu như vậy không ít ở Vinashin. Chẳng hạn ngay dự án Nhà máy điện diesel Cái Lân nhằm phục vụ cho hoạt động của nhà máy thép cũng là một kiểu đầu tư lãng phí. Thực tế, khi nhà máy thép chưa hoạt động, sản xuất 1kW điện để bán ra ngoài thì giá thành cao hơn giá bán, dẫn đến tình trạng càng sản xuất càng thua lỗ nên nhà máy phải ngừng hoạt động trong khi vẫn phải trả lãi vốn vay ngân hàng, khấu hao… Như vậy là cả một khối tài sản vài trăm tỷ đồng hao mòn hàng ngày vì xuống cấp và vì trả lãi ngân hàng. Những dự án như vậy đã "góp phần" làm cho Vinashin mắc nợ đầm đìa.
Vậy thì 86.000 tỷ đồng hiện nay đang ở đâu, phải chăng nó đã biến thành mây khói? Chúng tôi đặt câu hỏi này với tân Tổng Giám đốc Vinashin - Anh hùng lao động Trương Văn Tuyến. "Số nợ 86.000 tỷ đồng không thể mất đi mà nằm trong các dự án đầu tư, đã và đang hình thành tài sản của Vinashin", ông Trương Văn Tuyến khẳng định. Đồng tình với nhận định này, TGĐ Tổng Công ty tàu thủy Nam Triệu Nguyễn Văn Ngọc nói: "Không thể nói số nợ là mất hết mà nằm trong các dự án đầu tư, trong tài sản, vật tư và cả những con tàu đang đóng dở dang. Riêng ở Nam Triệu, sau 5 năm tập đoàn đầu tư mấy ngàn tỷ đồng, mặt bằng nhà xưởng đã được mở rộng từ 30 ha lên 140 ha, đầu tư trang thiết bị để từ chỗ chỉ đóng được tàu 1.000 tấn nay đã đóng được tàu 56.200 tấn và kho nổi 150.000 tấn. Với những người nông dân ở xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên đã bị giải tỏa làm nhà xưởng đều được nhận vào làm công nhân; riêng lương trả cho người dân xã này làm công nhân trong công ty có tháng lên đến 3 tỷ đồng. Nơi cách nay không xa là một vùng quê hoang vu nay đã đô thị hóa, đời sống người dân xã Tam Hưng nâng lên rõ rệt, đó cũng là nhờ sự đầu tư và phát triển của tàu thủy Nam Triệu". Theo chúng tôi được biết, những dự án đầu tư như vậy đều là vốn vay chứ không phải vốn tự có.
Nhận xét về các dự án của Vinashin tại Quảng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành nói: "Hiện có 18 dự án đã triển khai đều nằm trong nhóm ngành trọng điểm, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các dự án đã đóng góp vào sự phát triển của tỉnh. Với dự án khu công nghiệp cảng biển Hải Hà nằm trong dự án khu công nghiệp Vinashin là quyết định chiến lược tạo ra một hậu phương, là cơ sở thuận lợi cho khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái - Hải Hà". Thiết tưởng những đánh giá như vậy không giành cho những dự án đầu tư kém hiệu quả. Thực tế, có nhiều dự án không hiệu quả, thậm chí thua lỗ và có thể thất thoát, nhưng Vinashin vẫn có nhiều dự án đầu tư có hiệu quả và đang sinh lời. Và đó cũng là một phần trong số nợ 86.000 tỷ đồng, cũng là một phần trong khối tài sản 104.000 tỷ đồng của Vinashin hiện nay.
Vậy thì số nợ 86.000 tỷ đồng sẽ được trả như thế nào, và ai sẽ trả? Đặt câu hỏi như vậy với một số người từ lãnh đạo các công ty đến những người thợ gắn bó lâu năm với nghề tàu thủy, chúng tôi cảm thấy như đã động chạm vào lòng tự trọng của họ.
Chúng tôi hỏi một công nhân ở phân xưởng điện 2, Nam Triệu: Anh có biết công ty đang nợ rất nhiều tiền không? - Dạ, biết. - Vậy làm cách nào trả nợ? - Cái này phải hỏi cấp trên. - Giả sử cấp trên yêu cầu anh bớt lương để trả nợ, anh có đồng ý không? - Đồng ý. - Vì sao? - Vì chúng tôi vẫn làm việc hàng ngày, chuyện nợ nần rồi sẽ được giải quyết, là công nhân trong công ty khi thấy công ty khó khăn thì phải chung tay vào.
Kể lại chuyện này với một vị lãnh đạo Tập đoàn, chúng tôi lại nhận thêm một thông tin rằng, khi nghe nói Vinashin có thể không trả nổi nợ, một giám đốc tổng công ty đã nghẹn ngào mà quả quyết: Vinashin nợ thì Vinshin trả, nhất định phải trả, và trả được, đó là danh dự của người thợ đóng tàu! Tổng Giám đốc Trương Văn Tuyến, sau khi nhận trọng trách tại Vinashin đã nghiên cứu và đánh giá tình hình một cách toàn diện:
"Nghề đóng tàu biển có đặc điểm là đầu tư vốn lớn, quay vòng vốn chậm khoảng một năm rưỡi một vòng, nên chuyện nợ hàng chục ngàn tỷ đồng là chuyện bình thường. Nếu doanh thu 60.000 tỷ đồng thì phải vay 40.000 tỷ đồng. Trong tổng số nợ 86.000 tỷ đồng hiện nay Vinashin đã trả nợ cả chục ngàn tỷ đồng từ các dự án chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PetroVietnam) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Sau khi tái cơ cấu, các đơn vị thành viên được cấp vốn điều lệ đầy đủ, các dự án đi vào hoạt động, thì chỉ vài năm sau Vinashin sẽ trả hết nợ", TGĐ Trương Văn Tuyến khẳng định.
Quang Vinh - Ngọc Tú