Những ngày qua, nhiều nông dân ở hai huyện miền núi Đồng Xuân và Sơn Hòa (Phú Yên) đổ xô thuê người chặt mía bán cho nhà máy đường nhưng vẫn không thấy xe của nhà máy vào chở, làm nhà nông như ngồi trên chảo lửa. Vì nhà máy đường KCP Việt Nam (KCP) đóng tại huyện Sơn Hòa đã thông báo kết thúc niên vụ ép mía vào ngày 25/6, trong khi còn khoảng 30 ngàn tấn mía của nông dân chưa tiêu thụ được.
Biết lịch ngừng ép mía của công ty KCP, hàng chục hộ nông dân ở thôn Nguyên Xuân, xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) tất bật thuê nhân công đốn mía để bán cho nhà máy đường nhưng vẫn không bán được. Ông Lê Hồng Thống, ở thôn Nguyên Xuân bức xúc nói: “Tôi thuê công chặt khoảng 3 xe (tương đương 40 tấn mía) nhưng mấy ngày qua không thấy xe đến vận chuyển.
Sốt ruột, tôi đã đến nhà máy đường KCP liên hệ, họ bảo sẽ có xe vào chở, chờ mãi 3-4 ngày rồi mà không thấy xe đâu”. Cạnh ruộng mía của ông Thống, ông Trần Thân đã chặt mía, tất tả chạy ngược xuôi nhưng vẫn không tìm được xe chở. Ông Thân cho biết: Nếu điều xe chậm trễ như thế này (dù thôn Nguyên Xuân cách Nhà máy đường KCP khoảng 25 km), lượng mía của 47 hộ dân chuyên trồng mía ở đây phải chở cả chục ngày nữa mới xong.
Còn ở thôn Phước Hiệp, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), nông dân chấp nhận bán mía hạ giá cho thương lái và trả ngày công lao động 120.000 đồng để chặt mía. Ông Nguyễn Văn Vinh, một chủ xe chở mía ở huyện Đồng Xuân, cho biết: “Không phải thiếu xe, nhưng do lượng xe dồn về nhà máy xếp hàng chờ hơn một ngày mới cẩu mía nên dẫn đến chậm thời gian lưu hành”.
Sơn Hòa và Đồng Xuân là hai huyện thuộc vùng nguyên liệu mía của nhà máy đường KCP. Khi trao đổi vấn đề trên, Tổng giám đốc Công TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam R. Subbaiah cho biết đã thông báo ngày 25/6 sẽ ngưng vụ ép tại Nhà máy đường Sơn Hòa công suất 5.000 tấn mía/ngày. Hiện tại mía nguyên liệu của Sơn Hòa còn khoảng 15.000 tấn (tương đương 250ha), nhà máy đảm bảo mua hết mía trước khi kết thúc vụ. Nếu lượng mía còn tồn đọng, sẽ vận chuyển về Nhà máy đường Đồng Xuân công suất 1.000 tấn/ngày vì theo kế hoạch đến ngày 5/7 mới dừng ép.
Tuy nhiên, theo ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, lượng mía đã đốn và đứng tại ruộng còn khá lớn, ước trên dưới 500 ha (tương đương khoảng 30 nghìn tấn). Trước tình hình đó, Ban điều hành mía đường huyện Sơn Hòa đề nghị KCP kéo dài thời gian ép ít nhất đến cuối tháng 6. Ông Nguyễn Văn Tri, Phó phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết, toàn huyện có hơn 3.300 ha mía, nhưng hiện còn khoảng 110 ha đứng tại ruộng, chủ yếu là ở hai xã Xuân Phước và Đa Lộc.
Như vậy, có thể nói việc thu mua mía trong vùng nguyên liệu của KCP vẫn còn nhiều bất cập, trong khi chính quyền địa phương chưa có giải pháp giúp đỡ nông dân. Làm một phép tính đơn giản, mỗi tấn mía bán cho công ty KCP giá 920.000 đồng thì với lượng mía nói trên, nông dân Phú Yên phải chấp nhận mất hàng tỷ đồng mà không biết kêu ai?./.
Thế Lập