Là tập đoàn đầu tiên của Mỹ đạt giá trị thị trường nghìn tỷ USD, Apple - ông lớn làng công nghệ- đã kiến tạo ra những sản phẩm thời thượng, sở hữu khối tài sản lớn hơn cả nền kinh tế của một vài quốc gia và còn nắm giữ lượng khách hàng cuồng nhiệt đến độ cắm trại qua đêm để được trải nghiệm sản phẩm mới. Tuy nhiên, trong vài tuần gần đây, tập đoàn này đã giảm hẳn phong độ.
Giá cổ phiếu của Apple giảm 20% từ tháng Mười, ảnh hưởng xấu đến các cổ phiếu khác và tác động mạnh lên thị trường. Hiện tại, giá cổ phiếu của Apple được niêm yết dưới mức 180 USD/cổ phiếu và chỉ tăng 2,3% trong năm 2018. Có bốn nguyên nhân khiến giá cổ phiếu của Apple sụt giảm.
Thứ nhất, các nhà đầu tư lo ngại về doanh số bán iPhone.
Vào tháng Chín, Apple tung ra một dòng sản phẩm mới nhưng nó không mang lại sự lạc quan về doanh thu cho họ. Rất nhiều sản phẩm của Apple “dậm chân tại chỗ” trong quý gần nhất. Dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ là 0-5% so với cùng kỳ năm 2017 vào dịp nghỉ lễ cuối năm - thời điểm mà các gia đình mua sắm những đồ điện tử mới nhất - làm các nhà đầu tư thất vọng, gợi nhắc thời điểm thị trường tuột dốc không phanh.
Thông báo mới nhất về việc cắt giảm sản phẩm với các nhà cung cấp của tập đoàn như Lumentum đã làm tăng lo ngại, mặc dù những động thái đó cũng khó để nói lên điều gì.
Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi Apple quyết định ngừng công bố số lượng iPhone, iPad và các sản phẩm khác được bán ra mỗi quý, làm dấy lên mối nghi ngờ về lý do đằng sau đó. Ông Daniel Ives thuộc Wedbush Securities nói việc ngừng công bố số liệu iPhone đã tác động mạnh tới cổ phiếu của Apple.
Thứ hai, giá bán cao sẽ đưa Apple vào tình thế nguy hiểm nếu nền kinh tế đi xuống.
Vài năm trở lại đây, Apple đã khắc phục sự sụt giảm doanh số bán điện thoại bằng cách tăng giá - một động thái giúp tập đoàn có thể đạt doanh số, cho dù ngành này đang thu nhỏ lại. Với 750 USD, mức giá thấp nhất cho một chiếc iPhone mới, doanh thu của Apple đứng trước nguy cơ giảm mạnh. Dự đoán về lượng bán ra cũng càng làm tăng sự lo ngại.
Chuyên gia phân tích của CFRA cho rằng xu hướng duy trì giá bán ở mức trung bình không thể tiếp diễn mãi và mối quan tâm thật sự của các nhà đầu tư là Apple có thể giữ được bao lâu.
Thứ ba, các nhà đầu tư chưa tin tưởng vào dịch vụ của Apple.
Apple đã xác định các dịch vụ, bao gồm Apple Pay, Apple Music và Apple Store, là những hạng mục tăng trưởng tiếp theo. Apple đặt mục tiêu 50 tỷ USD từ doanh thu dịch vụ vào năm 2020, dựa trên nền tảng người dùng rộng lớn.
Các nhà đầu tư vẫn đặt nhiều dấu hỏi như Apple chưa bao giờ chính thức chia sẻ những dự án dành cho truyền hình hay điện ảnh và mục tiêu thâm nhập vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vẫn tương đối mù mịt. Bà Carolina Milanesi, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Creative Strategies cho rằng nếu các dịch vụ không được như những gì mong đợi thì những quan ngại là có cơ sở.
Thứ tư, những khó khăn của Apple cũng phản chiếu những vấn đề thị trường mang tầm lớn hơn như căng thẳng thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc.
Lĩnh vực công nghệ đang bị giáng một cú đánh mạnh mấy tuần qua, khi các nhà đầu tư chạy khỏi ngành này. Apple cũng đã bị ảnh hưởng bởi những nỗi sợ ám ảnh thị trường như các định giá quá lạc quan, lãi suất tăng, biến động của các đồng tiền và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông Ives nhận định đây thực sự là giai đoạn khủng hoảng của Apple, nhưng vẫn tin tưởng vào sự khởi sắc của tập đoàn này trong giai đoạn tới.