Chỉ có 5-10% doanh nghiệp, nhà máy cập nhật Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, cho biết, qua thực tế kiểm tra hơn 200 nhà máy, doanh nghiệp, Đoàn công tác Bộ Y tế nhận thấy còn hạn chế trong công tác phòng, chống dịch tại một số nhà máy, doanh nghiệp ở một số địa phương.

“Một số địa phương chưa xây dựng hoặc chưa xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch tại khu công nghiệp và của từng nhà máy. Công tác kiểm tra, giám sát và yêu cầu duy trì người lao động đến làm việc tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch còn hạn chế. Việc cập nhật lên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19 mới chỉ đạt 5-10% trong số các doanh nghiệp, nhà máy được kiểm tra".

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tập huấn Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu công nghiệp cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước do Bộ Y tế tổ chức ngày 27/5. 

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tất cả địa phương phải phân công rõ trách nhiệm từng người để trực tiếp phụ trách từng doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước chính quyền và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh.

Cần phân luồng trong từng bộ phận của doanh nghiệp

Chú thích ảnh
Công nhân tại Công ty TNHH YOKOWO Việt Nam (Hà Nam) thường xuyên đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: TTXVN

Với các doanh nghiệp chưa ghi nhận ca mắc COVID-19, các doanh nghiệp phải chủ động kiểm tra, có phương án phòng, chống dịch cụ thể như phân luồng với ca làm việc; kiện toàn, thành lập tổ phòng, chống dịch trong từng bộ phận; yêu cầu công nhân đi làm phải khai báo y tế. Những trường hợp cán bộ phục vụ phải được lấy mẫu thường xuyên theo khuyến cáo 7 ngày/lần.

“Chính quyền địa phương phải chỉ đạo ngành Y tế và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để khám sàng lọc, ít nhất khám cho 20% số công nhân lao động có nghi ngờ. Thực hiện nghiêm giãn cách trong sản xuất, giờ ăn trưa và tan ca, bảo đảm công tác phòng, chống dịch”, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị.

Với doanh nghiệp đã có ca bệnh, phải làm tốt công tác khoanh vùng, cách ly, và truy vết triệt để các ca nhiễm, giảm tối đa ca bệnh lây nhiễm ra cộng đồng. Phải điều tra nắm chắc dịch tễ tại nơi cư trú. Việc vận chuyển công nhân cũng phải thực hiện xe thông thoáng, mở cửa, giảm 50% lượng người trên xe, thực hiện ngồi giãn cách, phun khử khuẩn xe hàng ngày.

Với những nơi vừa xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng và trong doanh nghiệp, Bộ Y tế đề nghị địa phương phải thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tại cả hai nơi, tránh việc lây nhiễm từ cộng đồng vào doanh nghiệp và ngược lại.

Địa phương xuất hiện nhiều ca bệnh, nhiều đối tượng F1 sẽ phải tính toán, bố trí thực hiện cách ly tại nơi lưu trú, tại hộ gia đình và thực hiện đầy đủ kiểm tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, thu gom rác thải như trong khu cách ly tập trung F1.

Sàng lọc, đưa các phân xưởng an toàn vào hoạt động

Các doanh nghiệp cũng cần lên phương án sàng lọc từng phân xưởng, từng nhóm công nhân, nếu từng bước an toàn dần dần đưa từng phân xưởng vào hoạt động để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị cho biết, phân tích lâm sàng gần 3.000 ca bệnh COVID-19 cho thấy, có tới 50,5% số bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng. Trong số 44,8% bệnh nhân biểu hiện lâm sàng, có 99 trường hợp thở ô xy gọng kính; 0,5% thở máy không xâm nhập (15 ca); 0,7% thở máy xâm nhập (19 ca) và bốn ca ECMO, chiếm 0,1%.

"Tỷ lệ bệnh nhân F0 đang tăng lên rất nhanh trong thời gian qua tại Bắc Giang và Bắc Ninh, tạo ra áp lực rất lớn cho công tác điều trị. Do đó, việc tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 tại tất cả các cơ sở y tế là việc cấp bách trong giai đoạn hiện nay, Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh. 

Theo Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê, các địa phương cần tuân thủ phương án 4 tại chỗ; thực hiện tiếp nhận, thu dung điều trị, quản lý ca bệnh và theo dõi cách ly triệt để tại địa phương. Đội cơ động sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết và chỉ chuyển tuyến khi vượt quá khả năng và phải bảo đảm chuyển tuyến an toàn. Bên cạnh đó cần chủ động triển khai kế hoạch mở rộng việc thu dung, điều trị bệnh nhân; sẵn sàng thiết lập các bệnh viện dã chiến khi cần thiết. Đối với các ca bệnh nặng, thực hiện Hội chẩn từ xa xin ý kiến với Bộ Y tế, Bệnh viện tuyến cuối…

Một số tham luận về kết quả triển khai phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp; hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-29 cho người lao động và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá; hướng dẫn công tác xét nghiệm sàng lọc đối với F0 và F1; đáp ứng điều trị đối với F0; đảm bảo công tác khám chữa bệnh trong khu cách ly và chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp của Hải Dương, Bắc Giang cũng đã được phổ biến có giá trị thực tiễn cao.

TTXVN/Báo Tin tức
Khuyến khích doanh nghiệp chung tay xây dựng Qũy vaccine phòng COVID-19
Khuyến khích doanh nghiệp chung tay xây dựng Qũy vaccine phòng COVID-19

Theo tính toán của Bộ Y tế, Việt Nam dự kiến mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN