Chính phủ chấp thuận tách MobiFone khỏi VNPT

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 1/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Thường trực Chính phủ đã họp và đồng ý với đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) về việc tách MobiFone khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).


Cổ phần hóa MobiFone theo đúng lộ trình


Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng cho biết, Chính phủ đã giao cho bộ TT-TT thực hiện tái cơ cấu Đề án tái cơ cấu VNPT theo đúng lộ trình mà Chính phủ đã đặt ra. Cùng với việc tách MobiFone, phần còn lại của VNPT sẽ tiếp tục củng cố và giữ thương hiệu để phát triển tốt hơn.


Có mặt tại phiên họp báo và thông tin chi tiết về nội dung này, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, VNPT là một trong những tập đoàn chủ lực của lĩnh vực bưu chính viễn thông và là một trong những niềm tự hào của kinh tế nhà nước, khẳng định mô hình tập đoàn thành công bên cạnh những tên tuổi như Viettel, Petrolimex, Vietnam Airlines, Vinamilk…


Bộ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh, vai trò quan trọng của VNPT cũng như dịch vụ viễn thông nói chung, không chỉ ảnh hưởng tới 4,5 vạn công nhân viên chức làm việc tại VNPT mà còn ảnh hưởng tới hàng chục triệu người đang sử dụng thuê bao VNPT bao gồm MobiFone và Vinaphone. Chính vì phạm vi tác động lớn và có sức ảnh hưởng đến nhiều thành phần trong xã hội, do đó, trong việc nghiên cứu xây dựng và phê duyệt Đề án tái cơ cấu tập đoàn này, Thường trực Chính phủ và các cơ quan tham mưu của Chính phủ đã rất thận trọng. Theo đó, Thường trực Chính phủ đã dành tới 3 cuộc làm việc riêng để xem xét tái cơ cấu Tập đoàn VNPT. Đến chiều qua, Thủ tướng Chính phủ chính thức thông qua đề án này. Dự kiến thời gian tới sẽ có những quyết định cụ thể và công bố công khai minh bạch.


Xem xét việc tổ chức ASIAD 18


Trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề tổ chức ASIAD 18, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, ASIAD 18 là sự kiện thể thao lớn của châu Á, không chỉ có ý nghĩa thể thao mà còn mang nhiều ý nghĩa quan trọng khác. Các nước đăng cai có thể do được phân công hoặc bản thân quốc gia đó thấy có nhu cầu tổ chức để nâng cao hình ảnh đất nước, thu hút du lịch, đầu tư, tạo điểm nhấn, qua đó phát triển các mặt kinh tế xã hội.

Theo quy trình đăng cai ASIAD thông thường, từ năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm thông tin, báo cáo với Thường trực Chính phủ để bàn bạc thống nhất chủ trương, chuẩn bị việc đăng cai tổ chức ASIAD 18. Sau khi được sự đồng ý về chủ trương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp các ngành, địa phương tiến hành rà soát lại các công việc cần và đủ để tổ chức ASIAD 18. Tiếp đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành có liên quan phối hợp với một số địa phương khảo sát khả năng tổ chức sự kiện này. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan nắm bắt cụ thể vấn đề, tiếp thu các ý kiến đa chiều, sau đó báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc có tổ chức ASIAD 18 hay không.


Khẩn trương làm rõ nghi vấn nhận hối lộ


Liên quan đến những thông tin về nghi vấn hối lộ giữa Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) với ngành đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định, vụ việc này chỉ dừng lại ở các nguồn thông tin. Ngay sau khi có thông tin về vụ việc trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương vào cuộc làm rõ, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Theo đó, hai Phó Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ thông tin vụ việc để có hướng xử lý, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.


Người phát ngôn của Chính phủ cho biết thêm, bên lề hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gặp và trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản về vụ việc trên. Hai Thủ tướng đều thống nhất phối hợp chặt chẽ trong điều tra, xử lý nghiêm vi phạm nếu có.


T.Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN