Không chỉ thực thi pháp luật về hải quan với nhiệm vụ của người “canh cổng nền kinh tế đất nước”, những cán bộ, công chức của Hải quan Đắk Lắk còn đảm nhận công tác vận động quần chúng như một nhiệm vụ chính trị, góp phần cùng địa phương tạo cuộc sống ổn định cho bà con vùng sâu, vùng xa… Theo phân công của Tỉnh ủy Đắk Lắk, Hải quan Đắk Lắk đã kết nghĩa với buôn Mrông C (huyện Ea Kar )-nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê sinh sống. Theo đó, Hải quan Đắk Lắk đã tặng bò - loại “vàng 4 chân” cho người dân để giúp họ xóa đói giảm nghèo. Báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Tiến, Cục trưởng Cục Hải quan Đắk Lắk xung quanh nhiệm vụ chính trị này.
Ông có thể nói rõ hơn công tác vận động quần chúng, một trong những nhiệm vụ chính trị của Hải quan Đắk Lắk?
Những năm qua, Tỉnh ủy Đắk Lắk giao cho các cơ quan đóng trên địa bàn, kể cả cơ quan Trung ương, có trách nhiệm cùng với Tỉnh ủy thực hiện nhiệm vụ giúp bà con dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk vượt qua khó khăn, xóa đói, giảm nghèo…Với Hải quan Đắk Lắk, chúng tôi thực hiện kết nghĩa buôn Mrông C thuộc huyện Ea Kar để giúp đồng bào ở đây ổn định đời sống, phát triển kinh tế theo khả năng của đồng bào. Do vậy, chúng tôi quyết định lựa chọn loại hàng hóa “vàng 4 chân” (bò) để giúp bà con bởi phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, khả năng làm kinh tế của đồng bào dân tộc…
Tuy nhiên, cách thức hỗ trợ của chúng tôi là không đưa tiền cho đồng bào, mà giao trực tiếp 4 con bò cái cho 4 hộ nghèo nuôi. Khi bò sinh ra bê con thì hộ nuôi bò cái này được sở hữu bê con; còn bò mẹ sẽ tiếp tục được giao cho hộ khác… Nhờ vậy, từ 4 bò cái ban đầu đến nay đã có đàn bò 26 con và số bò này không chỉ dừng lại ở đây.
Hải quan Đắk Lắk có thường xuyên theo dõi việc chăm sóc bò không và làm thế nào để giao “vàng 4 chân” đến đúng đối tượng hộ nghèo, thưa ông?
Từ 4 con bò giống đã phát triển thành một đàn 26 con. Điều này cho thấy khả năng nuôi và chăm sóc bò sinh sản của đồng bào Ê Đê ở Mrông C rất tốt. Hiện tại, đàn bò vẫn tiếp tục phát triển khả quan…, nên bà con rất phấn khởi!
Còn về việc giao bò giống đến đúng đối tượng không khó, vì bà con dân tộc thiểu số Ê Đê ở Mrông C cũng như chính quyền địa phương ở đây rất rõ ràng, minh bạch. Trước hết, phải đúng hộ nghèo mới giao bò mẹ và việc xác định hộ nghèo cũng công khai, nên đến nay chưa có thắc mắc nào từ phía đồng bào. Tuy nhiên, Hải quan Đắk Lắk cũng có kế hoạch giám sát chặt chẽ. Khi địa phương thông báo đến số hộ nghèo thì chúng tôi phải trực tiếp tham khảo, tìm hiểu về điều kiện của từng hộ; bên cạnh đó yêu cầu các hộ bảo đảm tiêu chí nuôi bò vệ sinh, chăn thả hợp lý…
Ngoài việc giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo bằng chăn nuôi, Hải quan Đắk Lắk còn có hoạt động gì để đồng bào và cán bộ, công chức Hải quan thêm gắn bó?
Vào những ngày lễ, tết, ngày hội truyền thống của đồng bào, Hải quan Đắk Lắk còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các hộ. Sắp tới, Hải quan Đắk Lắk sẽ tổ chức cho các cháu ở đây vui Tết Trung thu….
Ngoài ra, các cán bộ hải quan cũng thường xuyên đến với đồng bào tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con về đời sống kinh tế - xã hội để có hướng giúp đỡ. Chúng tôi xác định khả năng của mình tới đâu thì sẽ giúp bà con hết mực tới đó…
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Yến - Bùi Thu (thực hiện)