Khách xem các sản phẩm tại hội chợ hàng Thái Lan năm 2014. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN |
Lý do mà Việt Nam được chọn là “điểm đến” của các nhà đầu tư bởi đây là mảnh đất có rất nhiều tiềm năng cũng như khả năng thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, do quá chú trọng xuất khẩu nên dường như các doanh nghiệp Việt lại đang bỏ ngỏ thị trường nội địa. Đây chính là kẽ hở để các nhà bán lẻ nước ngoài có thể dễ dàng tìm kiếm địa điểm.
Thay vì phải mất 3 năm vất vả mới có được rẻo đất cỏn con thì nay họ chỉ cần vài tháng là có thể sở hữu ngay một địa điểm đắc địa để chiếm lĩnh thị trường béo bở này.
Cơ chế lỏng lẻo
Mặc dù chỉ là một nước được xếp hạng trung bình nhưng Thái Lan có lợi thế hơn hẳn so với Nhật Bản hay Hàn Quốc bởi lý do khoảng cách địa lý. Hơn nữa, doanh nghiệp Thái cũng nắm bắt được tâm lý tiêu dùng của người Việt qua các kỳ Hội chợ hàng hóa Thái Lan được tổ chức thường niên.
Chính vì vậy, đã từ lâu doanh nghiệp Thái đã có ý đồ thâm nhập thị trường tiềm năng này và muốn đầu tư một cách bài bản để mở rộng sản xuất cũng như phân phối.
Với dự đoán 80% doanh nghiệp Thái Lan sẽ mua lại chuỗi siêu thị Big C, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hôi Siêu thị Hà Nội không khỏi lo ngại trước đòn tâm lý mà doanh nghiệp Thái đang làm hoa mắt người tiêu dùng Việt Nam.
Điều này thể hiện qua việc hàng hóa của họ tràn ngập thị trường với mẫu mã đa dạng, giá cả thì cạnh tranh. Chính vì vậy, đồ dùng hiện nay trong các nhà đâu đâu cũng thấy hàng Thái. Từ xô chậu đến chai dầu gội đầu hay túi gạo thì hàng Thái Lan bao giờ cũng được ưu tiên hàng đầu.
Không những vậy, ngay cả tại các quầy kệ của mỗi siêu thị trong nước, hàng hóa Thái Lan cũng được bày trang trọng và bắt mắt cũng là lý do đẩy người tiêu dùng Việt đến gần hơn với hàng Thái Lan.
Theo ông Vũ Vinh Phú, có thể nói, làn sóng đầu tư của nhà bán lẻ nước ngoài theo hướng trực tiếp đầu tư hệ thống hay mua lại thương hiệu bán lẻ Việt đều tạo áp lực lớn hơn cho sự tồn tại của hàng Việt trong siêu thị.
Đó là bởi, mỗi nhà bán lẻ nước ngoài đều có mạng lưới cung cấp riêng tạo nên sự đặc sắc và định vị thương hiệu trên đường chinh phục thị trường thế giới. Không có lý do gì để họ tiếp tục duy trì một hệ thống sản phẩm cũ khi mua lại hay đầu tư một thương hiệu bán lẻ Việt.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam lại chưa có chiến lược đầy đủ, cả 3 cấp Nhà nước, ngành và doanh nghiệp. Vốn của siêu thị nội mới chỉ đủ 15-20% nhu cầu kinh doanh, khó thu mua hàng hóa một cách trực tiếp của sản xuất; 60-70% các siêu thị nội phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng với lãi suất cao; nhân lực điều hành chưa được đào tạo chuyên ngành bán lẻ; các doanh nghiệp thiếu sự liên kết, mạnh ai nấy làm… Ngoài ra, công tác quy hoạch hệ thống bán lẻ nói chung và hệ thống bán lẻ hiện đại nói riêng chưa được xây dựng khoa học.
Đồng tình với quan điểm này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, không thể phủ nhận hàng hóa Thái Lan rất được cảm tình của người tiêu dùng Việt Nam vì có mẫu mã thay đổi nhanh chóng, chất lượng đảm bảo và giá cả phù hợp với đại đa số người tiêu dùng Việt.
Dù đã đưa vào quy hoạch tái cơ cấu của ngành công thương nhưng từ quyết định xây dựng nhà bán lẻ hàng đầu đi tới thực tế hiện vẫn chưa được triển khai ráo riết. Ngoài thâm nhập và không ngừng mở rộng hệ thống bán lẻ, các tập đoàn Thái Lan còn có nền móng vững chắc tại Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất như thực phẩm, nông nghiệp, công nghiệp... Điều đó khiến hàng Việt Nam càng đứng trước nguy cơ lép vế ngay trên sân nhà.
Cũng theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, sở dĩ các đại gia Thái Lan đều nhắm vào Big C bởi ngay khi khai trương chi nhánh đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai năm 1998, đến nay, Big C đã trở thành thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam, có 33 siêu thị trên toàn quốc, 10 cửa hàng tiện lợi C express tại Tp Hồ Chí Minh và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn. Nếu xét về điểm bán siêu thị thì Big C dẫn đầu về số lượng so với các doanh nghiệp bán lẻ ngoại khác đang có mặt ở Việt Nam.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ cho rằng chắc chắn các điểm kinh doanh của Big C có thời gian thuê không ngắn và vị trí của những điểm này xứng đáng là niềm khao khát cho các nhà bán lẻ. Đây chính là giá trị lớn của Big C.
Một lợi thế khác của Big C là bán lẻ trực tiếp đến tay người tiêu dùng với chuỗi kinh doanh phủ nhiều tỉnh thành, đón hơn 50 triệu lượt khách mua sắm mỗi năm; trong đó, 2,8 triệu khách hàng thành viên là “tài sản” rất lớn cho bất cứ nhà bán lẻ nào.
Không những thế, theo các doanh nghiệp này thì một trong những nguyên nhân để Thái Lan mua lại chuỗi Big C bởi họ đã hiểu về những khó khăn trong việc tìm và mở một điểm kinh doanh mới tại các thành phố lớn như thế nào, cùng với đó là quy định khống chế số lượng mở điểm bán mới đối với các nhà bán lẻ nước ngoài dựa vào kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT).
Việc thâu tóm được chuỗi Big C cũng giúp doanh nghiệp Thái Lan tiết kiệm đến gần 7 năm cho việc xây dựng cũng như nhiều chi phí khác để phát triển chuỗi kinh doanh.
Khắc phục nhược điểm
Bộ Công Thương dự kiến đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, 180 Trung tâm thương mại với tổng mức bán lẻ sẽ tương đương khoảng 25-30 tỷ USD. Đây là "miếng mồi" khá béo bở, đặc biệt là thị hiếu khách hàng và yêu cầu về dịch vụ cũng như chất lượng sản phẩm đang ở mức thấp như Việt Nam thì việc sở hữu thị phần bán lẻ còn là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài đưa sản phẩm từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng.
Theo dự kiến của ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương, có thể đến cuối năm nay sẽ có 2 trung tâm Robins của Central Group tại Việt Nam nhưng đây không phải là con số cuối cùng. Bởi, Việt Nam là một trong những "điểm đến" mà nhà đầu tư này công bố sẽ dành 1,3 tỷ USD để mở cửa hàng, trung tâm mua sắm, mua bán và sáp nhập ở Đông Nam Á trong 3 năm tới.
Vì thế, sự xuất hiện của hệ thống phân phối hiện đại của Thái Lan sẽ tạo điều kiện cho hàng Thái Lan vào Việt Nam theo đường chính thống, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và qua đó sẽ đẩy hàng Thái ra thị trường nhiều hơn, được người tiêu dùng chấp nhận dễ dàng hơn.
Để doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không thua trên sân nhà, theo ông Vũ Vinh Phú các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết lại và khắc phục nhanh điểm yếu của mình. Thời gian không còn chờ đợi các nhà bán lẻ Việt Nam trước cơn lốc hàng hóa của 55 nước mà chúng ta ký kết ở các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ vào Việt Nam trong thời gian tới.
Do vậy, các doanh nghiệp cần đổi mới, tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng. Các doanh nghiệp đã liên doanh, liên kết hoặc bán một phần vốn có các doanh nghiệp nước ngoài cần tỉnh táo điều hành, nắm thông tin chính xác, chủ động trong quản trị doanh nghiệp, nắm bắt những kinh nghiệm của doanh nghiệp nước ngoài để từng bước phát triển không đánh mất thương hiệu.
Đưa ra một lời khuyên cho doanh nghiệp, Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, hàng hóa Việt Nam chắc chắn là phải cạnh tranh khốc liệt thì mới có thể có chỗ đứng trên thị trường. Còn nhiệm vụ của các nhà bán lẻ chắc chắn phải lựa chọn quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đứng trước thực tại hàng hóa ngoại nhập tràn vào với thuế suất bằng 0% thì các doanh nghiệp cũng không thể nào đi trái với quy luật của thị trường là chỉ ủng hộ hàng Việt thôi mà không lựa chọn hàng ngoại nhập có chất lượng tốt, giá cả thích hợp, nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo về mọi mặt cho người tiêu dùng.
Do đó, các doanh nghiệp cần vượt qua các thách thức từ mô hình mua sắm truyền thống sang hình thức mua sắm hiện đại và đầu tư vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước và các siêu thị lớn nhỏ của Việt Nam phải có những biện pháp kiểm soát hàng nhập để kích thích sự phát triển của hàng Việt Nam chất lượng cao, từ đó tạo điều kiện cho nền kinh tế trong nước phát triển.